Rau bò khai là loài cây thường mọc ở khu vực núi đá tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Loài rau này dạng thân leo, người dân thường hái ngọn, lá non để luộc, xào, nấu canh... Hiện nay, rau bò khai được xem là đặc sản và giá có giá bán khá cao trên thị trường.
Thông tin trên báo Dân tộc, rau bò khai có lá khá giống với rau ngót, nhưng ngọn lại tròn và mập như ngọn su su. Phần ngọn và lá non của rau bò khai thường được sử dụng để làm thực phẩm, chế biến các món rau trong bữa ăn hàng ngày như luộc, xào tỏi, xào thịt, nấu canh...
Điểm đáng chú ý nhất của món ăn này chính là mùi hơi... khai. Vì vậy, khi chế biến món ăn, người ta sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Mặc dù vậy thì khi ăn vẫn không thể tránh khỏi được việc có chút mùi nhẹ.
Rau bò khai ít khi luộc hay nấu canh bởi nó không ngon so với xào. Bò khai có 2 loại là bò khai trắng và bò khai đỏ. Phổ biến nhất là bò khai trắng, còn loại bò khai đỏ hiếm hơn nhưng ngon và có mùi vị đậm hơn. Rau rừng đang vào mùa, thêm sự lựa chọn cho bữa ăn gia đình vừa ngon, vừa sạch, vừa có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.
Anh Hoàng Văn Hiệu là người đầu tiên mang cây bò khai ở phía Bắc vào trồng ở Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn
Từ xa xưa, cây rau bò khai đã được sử dụng để làm thuốc chữa một số bệnh như: sỏi thận, viêm gan do siêu vi. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần sắc lá, cành, thân với nước và uống. Có thể sử dụng rau bò khai khô hoặc rau bò khai tươi đề hiệu quả nhé.
Rau bò khai có tác dụng phục hồi sức khỏe với những người suy nhược cơ thể, chán ăn, cơ thể mệt mỏi. Chỉ cần ăn canh rau bò khai hoặc dùng cây bò khai sắc lấy nước uống là sẽ cải thiện được tình trạng trên. Theo kinh nghiệm từ xưa, rau bò khai còn nguyên mùi vị sẽ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn rất nhiều.
Những bó rau bò khai tươi non (Ảnh: An Ninh Thủ Đô)
Theo báo Lao Động, năm 2015, nhiều vườn cà phê của bà con dân tộc Tày, Nùng ở thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk đã trở nên già cỗi, có năng suất thấp nên muốn chuyển đổi cây trồng.
Lúc này, nhận thấy rau bò khai mang lại thu nhập ổn định, anh Hoàng Văn Hiệu, giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng thử nghiệm trên đất Tây Nguyên.
Theo anh Hiệu, sau một năm kiến thiết, vườn bò khai của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, gia đình anh đã phát triển được 1,3ha bò khai xen canh trong vườn sầu riêng và cho thu nhập ổn định.
Nhận thấy loài cây trồng này có nguồn thu nhập ổn định nên vào năm 2017, có 6 người dân ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai.
Với những người chưa quen với mùi rau, cách để khử bớt mùi là xào thật nhiều tỏi. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Đến năm 2020, tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Hiện nay, HTX có 21 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40ha.
Theo anh Hiệu, sản lượng rau bò khai sản xuất tùy theo mùa, vào mùa lạnh thì sản lượng sẽ giảm nhưng bù lại giá cả tăng. Hiện nay, mỗi tháng HTX thu hoạch khoảng 2 tấn sản phẩm với giá trung bình 60.000 đồng/kg.
“Rau bò khai của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, HTX đã ký được với đối tác xuất khẩu chính ngạch rau bò khai sang Mỹ với sản lượng mỗi tuần được vài tạ tùy theo đặt hàng”, anh Hiệu vui mừng cho biết.
Ông Hà Văn Dự, thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng cho biết, rau bò khai đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông.
Năm 2020, sản phẩm rau bò khai của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã được cấp Chứng nhận VietGAP. Hiện HTX cũng xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc xuất khẩu.
Về định hướng sắp tới, giám đốc HTX Hoàng Văn Hiệu cho biết, đơn vị muốn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, các thành viên HTX đang gặp khó khăn do cây sầu riêng ngày càng lớn nên diện tích cây bò khai lại giảm dần.