Thời điểm tháng 2, hàng loạt cây xăng trên cả nước đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. Hơn 6 tháng sau, tình trạng này tiếp tục tiếp diễn với lý do tương tự.
"Khoảng 20 ngày nay, chúng tôi nhập hàng về bán rất khó khăn. Chưa kể hoa hồng rất thấp, trung bình 100 đồng/lít, thậm chí có thời điểm âm. Với chiết khấu như thế này thì đại lý bán lẻ rất nản, không thể trụ nổi", Hoàng Thị Điều - chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Đắk Lắk - phản ánh với Zing.
Trong khi giá bán lẻ xăng dầu chịu sự quản lý của nhà nước, thì giá chiết khấu của các kho bán cho doanh nghiệp lại tự khống chế. Ảnh: Nhật Sinh. |
Khan hàng, thua lỗ, đóng cửa lại bị phạt
Theo bà Điều, cửa hàng xăng dầu của bà nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối là xăng dầu Quân đội. "Hiện tại, muốn nhập hàng phải báo trước lượng xăng dầu nhập 2 ngày và họ chưa chắc sẽ có hàng", bà nói và cho biết nhiều cây xăng trên địa bàn đã đóng cửa thì lỗ.
Chủ doanh nghiệp tư nhân này cho rằng các bộ ngành cần vào cuộc đảm bảo nguồn cung cho đại lý và tính toán chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu để các cửa hàng bán lẻ như bà không bị lỗ nặng.
"Mỗi ngày bán ra hàng nghìn lít xăng nhưng càng bán nhiều, chúng tôi càng lỗ. Doanh nghiệp đã từng làm đơn xin sở công thương nghỉ bán nhưng không được chấp nhận", chủ doanh nghiệp này than.
Thực tế hiện nay, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu đang phải chật vật vì không đủ nguồn cung trong khi mức chiết khấu âm tới 500-1.000 đồng/lít.
Nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ khi mức chiết khấu khoảng 700-800 đồng/lít thì họ mới có thể có lãi. Bởi cửa hàng bán lẻ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, thuê mặt bằng giá cao...
"Tuy nhiên khoảng một tháng trở lại đây, thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng", chị Thủy, chủ một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội nói.
Theo chị, dù lỗ nặng nhưng các cửa hàng bán lẻ vẫn phải gồng mình bán vì cơ quan chức năng không cho phép ngừng bán hàng. "Hôm nay, đầu mối lại báo về mức chiết khấu mới, dầu âm 1.000 đồng/lít, xăng âm 500 đồng/lít. Tính mọi chi phí, mỗi lít xăng bán ra âm gần 2.000 đồng nhưng cửa hàng vẫn phải cố cầm cự", chị than.
Bởi vậy, nhiều cửa hàng bán lẻ cùng làm đơn xin tạm thời nghỉ bán. Một số chủ cây xăng kiến nghị cơ quan chức năng cho phép các cửa hàng bán lẻ được mua hàng từ nhiều nhà cung cấp và quy định mức chiết khấu tối thiểu cho đại lý bán lẻ.
Để đảm bảo kinh doanh, mức chiết khấu cho các đại lý bán lẻ phải từ 700-1.000 đồng/lít. Ảnh: Hoàng Hà. |
Yêu cầu đầu mối chia sẻ
Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, đại lý nhỏ lẻ mà các đơn vị đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn cũng gặp khó.
Ông X.V, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn tại TP.HCM cho biết nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung một phần do Bộ Công Thương thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối và rút giấy phép xuất, nhập khẩu của 7 đơn vị trong 2-3 tháng. Do đó, các doanh nghiệp phân phối, đại lý phải tìm đầu mối khác để nhập hàng khiến nguồn cung của các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng ảnh hưởng theo.
"Phía doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Hơn nữa, hiện nay tình hình xăng dầu trên thế giới vẫn có nhiều biến động, tăng giảm thất thường nên nhiều doanh nghiệp đầu mối cũng hạn chế nhập hàng. Hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối tư nhân cũng bị lỗ khi giá thế giới tăng cao", người này nói với Zing.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cũng thừa nhận số lượng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu giảm khiến nguồn cung cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, tình hình giá xăng dầu thế giới diễn biến tăng giảm thất thường nên các đầu mối cũng phải hạn chế nhập hàng. Hiện doanh nghiệp cũng chỉ nhập đủ hàng cung cấp cho hệ thống của đơn vị.
Đánh giá về chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông) của doanh nghiệp xăng dầu hiện nay, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng mức chi phí này ở Việt Nam hiện ở mức thấp, chỉ chiếm 5-7% giá cơ sở và không đủ cho doanh nghiệp trang trải trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, trong khi con số này ở Singapore là 27%.
Mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi sở công thương các tỉnh, thành phố; các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu yêu cầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước.
"Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp", ông yêu cầu.
Đặc biệt, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước yêu cầu thương nhân đầu mối, phân phối phải chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tác giả: Thanh Thương
Nguồn tin: zingnews.vn