Lừa ‘ăn theo’ bất động sản

Admin
Năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng biến động mạnh, nhiều kẻ gian đã nhân cơ hội đó để “ăn theo”, tung chiêu khiến nhiều người sập bẫy.

“Nổ” để lừa

Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, cơ quan chức năng tại TP.Đà Nẵng đã khởi tố, tạm giam 3 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cùng thủ đoạn bán đất ảo. Khi thấy hình Nguyễn Khắc Lương (32 tuổi) tra tay vào còng và thủ đoạn được phản ánh trên mặt báo, nhiều dân buôn đất mới tá hỏa. Hóa ra đây không phải nhân viên hay quản lý, phụ trách kinh doanh một sàn giao dịch BĐS như Lương “nổ”, mà cũng chỉ là một người bình thường trong giới buôn đất tự do.

Tương tự, Lê Văn Hào (35 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) cũng in danh thiếp có chức danh hoành tráng, áo quần luôn bóng bẩy. Nhờ ngoại hình “sáng”, giao tiếp tốt, Lương và Hào đóng đô ở sàn giao dịch một công ty BĐS khiến nhiều người ngộ nhận nếu mua đất qua 2 người này thì an toàn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.

"Trong bối cảnh bất động sản đang sốt hiện nay, người mua đừng ham những tin rao bán rẻ mà sập bẫy, đồng thời tuyệt đối tránh những tin đồn vỉa hè mà đón đầu dự án. Bởi tất cả những thông tin dự án được phê duyệt đều được chính quyền công bố công khai."


Ông Cao Lê Quang Phương, Tổng giám đốc Connect Land

Theo khai nhận, từ đầu năm 2017, Lương và Hào thấy tình hình giao dịch BĐS Đà Nẵng lên cơn sốt, người mua tranh nhau số lô ít ỏi mỗi đợt mở bán… nên thừa nước đục thả câu. Cả 2 lợi dụng chính sách chiết khấu của công ty để đánh vào tâm lý muốn giành lô đất rẻ của người mua.

Hậu quả, ít nhất 3 người đã bị 2 “cò đất dỏm” này lừa gần 1,4 tỉ đồng. Bất ngờ hơn, vào thời điểm bị bắt, cơ quan điều tra khám xét tư trang Hào còn phát hiện hàng trăm triệu đồng, được Hào khai nhận đó cũng là tiền lừa nhiều người khác.

Giữa tháng 9, đến lượt Nguyễn Phi Long (41 tuổi, ngụ H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) sa lưới với cùng hành vi lừa đảo. Nếu Lương, Hào dùng giấy tờ photo và miệng lưỡi ngon ngọt để lừa, thì Long tinh vi hơn nhiều: Làm giả giấy tờ đất chỉ với giá 7 triệu đồng thông qua các đối tượng trên Facebook. Vì vậy, dù nạn nhân của Long đã cẩn thận đòi xem bản gốc thì họ vẫn sập bẫy, mất gần 200 triệu đồng.

Cảnh giác bẫy giá rẻ

Trao đổi với Thanh Niên, một điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cho biết bên cạnh thủ đoạn tinh vi của bị can, có sự chủ quan của bị hại khi giao dịch thiếu pháp lý; có trường hợp giao tiền, giao sổ đỏ mà không có thêm giấy tờ ràng buộc.

Đơn cử vụ “siêu lừa” Bùi Thị Thu Hằng (ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) tự xưng người nhà lãnh đạo Vùng 3 Hải quân để bán khống 69 lô đất sân bay Nước Mặn, chiếm đoạt 13,7 tỉ đồng. Hằng chỉ có bản photocopy sơ đồ phân lô khu đất và kế hoạch giao đất, vậy mà nhiều người vẫn tin, nộp cho Hằng tiền tỉ (do Hằng ra giá rẻ hơn thị trường vài trăm triệu đồng mỗi lô).

Thậm chí, một đại gia sành sỏi trong giới BĐS cũng sập bẫy khi ôm 38 lô với giá 40 tỉ đồng, bị Hằng chiếm đoạt 7,4 tỉ đồng tiền cọc. Chưa kể rất nhiều nạn nhân ôm cả chục lô đất “ảo” trị giá hơn 10 tỉ đồng, bị lừa 1-2 tỉ đồng. Tất cả cũng vì ham rẻ.

Ông Hồ Nguyên Trưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản LinkHouse miền Trung, chia sẻ: Hiện có 2 xu hướng khách hàng mua BĐS ở các sàn giao dịch và khách mua sản phẩm lẻ ngoài thị trường. Phương án 1 luôn an toàn hơn bởi công ty BĐS, sàn giao dịch, đơn vị môi giới có pháp nhân, được chủ đầu tư ủy quyền. Nhưng thực tế, các giao dịch tự do ngoài thị trường luôn chiếm số lượng lớn hơn, do đó người mua cần làm rõ vấn đề pháp lý của sản phẩm (như gặp chính chủ, xem giấy tờ gốc, kiểm tra hiện trạng sản phẩm từ chủ đầu tư, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất...).

Chiều 9.6, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP.Đà Nẵng cho biết cơ quan chức năng xác định Bùi Thị Thu Hằng đã bán khống 69 lô đất, chiếm đoạt 13,7 tỉ đồng.

Ông Cao Lê Quang Phương, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ kết nối bất động sản (Connect Land), cũng khẳng định, nếu giao dịch với người môi giới cần xem hợp đồng ủy quyền từ chủ đầu tư, đặt cọc có phiếu thu. Với những người làm dịch vụ BĐS nghiêm túc, họ thường để cho chủ đất nhận tiền cọc chứ ít khi nhận thay để tránh hệ lụy.

“Giá cả BĐS đã có thị trường quyết định. Trong bối cảnh BĐS đang sốt hiện nay, người mua đừng ham những tin rao bán rẻ mà sập bẫy, đồng thời tuyệt đối tránh những tin đồn vỉa hè mà đón đầu dự án. Bởi tất cả những thông tin dự án được phê duyệt đều được chính quyền công bố công khai”, ông Phương nói.