Khách quên hàng chục triệu đồng trong túi
Đến hẹn lại lên, cứ thời điểm trước khi mùa hè kéo tới, nghề giặt là “vào mùa”. Bởi ai cũng muốn đem quần áo rét, chăn màn tới tiệm giặt là để “tổng vệ sinh”, đóng túi và cất đi đến mùa đông năm sau mới mang ra sử dụng.
Không ai ngờ trong những kiện quần áo “bốc mùi” cao như núi đó, khách vẫn bỏ quên những thứ đồ vô cùng giá trị như túi tiền hàng chục triệu đồng, nhẫn, thậm chí là cả một bộ trang sức vàng cưới…
Không ai ngờ trong túi áo khoác mùa đông, khách có thể bỏ quên số tiền hàng chục triệu đồng. Ảnh: NVCC |
Gắn bó với nghề giặt là nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Nam (chủ một đầu mối thu gom đồ giặt là tại Hà Nội) chia sẻ chuyện nhặt được đồ khách bỏ quên trong túi áo khoác là như cơm bữa. Bởi trước khi đem giặt, bao giờ chị cũng phải soạn hàng, phân loại các món đồ.
Lần gần đây nhất là thời điểm trước Tết, chị Nam nhặt được 5 triệu đồng khách bỏ quên trong túi. Một lần khác, chỉ trong buổi sáng, chị nhặt được tiền của hai khách bỏ quên. Một khách quên hơn 10 triệu đồng trong túi áo. Một khách quên tới 16 triệu đồng.
Chuyện nhặt được vài chục, vài trăm ngàn khách bỏ quên là như cơm bữa. Ảnh: NVCC |
Thấy áo khách quên hơn 10 triệu đồng cáu bẩn, hôi rình, lại dính nhiều…tiết lợn, chị đoán chắc đây là người bán hàng thịt lợn. Chị Nam giở sổ, tra mã số, gọi điện cho khách xác nhận lại, hóa ra khách bỏ quên toàn bộ số tiền hàng đi chợ mà không nhớ do…mệt quá.
Còn khách quên 16 triệu đồng kia cũng không hề nhớ đến số tiền mình đã bỏ trong túi. Tìm lại số tiền quỹ lớp, anh khách mừng quá, nhất quyết dúi vào tay chị Nam 1 triệu đồng để cảm ơn.
Bộ trang sức vàng cưới bị lãng quên
Theo chị Nam, khách bỏ quên số tiền vài triệu đồng trong túi là không hề nhỏ. Còn lại “lặt vặt” vài chục ngàn thì chị gặp như cơm bữa.
Cá biệt trong đó có lần chị nhặt được một bộ trang sức vàng cưới khách bỏ quên, gồm một kiềng, một lắc tay và nhẫn vàng.
Chuyện nhặt được vài chục, vài trăm ngàn khách bỏ quên là như cơm bữa. Ảnh: NVCC |
Bởi giá trị món đồ bỏ quên là quá lớn về cả vật chất lẫn tinh thần, nên chị nghĩ ra cách để lại mẩu giấy vào túi áo với lời nhắn: “Để nhận lại bộ trang sức cưới, xin liên hệ theo số điện thoại…”.
Nhờ cách làm này, bộ trang sức vàng cưới đã trở về với đúng chủ nhân của nó.
“Nhận được đồ bị lãng quên, có người mừng quýnh lên, cảm ơn rối rít. Nhưng cũng có người hốt hoảng, tra hỏi, lục soát chiếc áo như thể bị mất cắp. Dù khách có thái độ thế nào tôi cũng tìm cách trả lại họ vì tôi nghĩ ai cũng phải lao động bằng mồ hôi nước mắt. Hơn nữa, đây không phải đồ của mình, của thiên sẽ trả địa, không nên tham lam”, chị Nam bộc bạch.
Giặt là lại bắt đầu “vào mùa”. Dù lao động chân tay vất vả nhưng nữ chủ tiệm giặt là này khẳng định chị vẫn yêu thích công việc chị gắn bó từ thời con gái này.