Theo đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017 tăng 7,3% (tăng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng/ tháng tùy theo vùng).
Lương tối thiểu 2017 tăng 7,3 %.
Đại diện người sử dụng lao động, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN cho rằng, hiện nay DN dệt may rất khó khăn và đề nghị không tăng lương tối thiểu năm 2017.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách VN nêu quan điểm, tăng lương tối thiểu là cần thiết, nhưng DN đang gặp khó khăn. Vì vậy, chỉ nên tăng ở mức 5% để bù cho mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 2016.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng, nếu lương tối thiểu năm 2017 tăng 5% thì mới chỉ bù đắp được tỷ lệ trượt giá của đồng tiền (dự kiến là 5%). Do đó, chưa theo kịp tỷ lệ tăng GDP và theo lộ trình 2018 lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Phó Chủ tịch Mai Đức Chính thẳng thắn cho biết, chỉ đồng ý ở phương án tăng lương tối thiểu ở mức 10% (thấp hơn 1% so với đề xuất ban đầu của Tổng Liên đoàn lao động đề xuất).
Tới 12h, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chấp nhận mức tăng lên 7,3%.
Mức tăng này cũng đã nằm trong biên độ tăng của 3 phương án do bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra trước đó, tăng khoảng 7-10%.
Cuối cùng, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đi đến thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016 (Phương án này được 13/14 thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất thông qua).
Cụ thể, vùng I tăng thêm 250.000 đồng (tăng 7,1%); vùng II tăng 220.000 đồng/tháng (7,1%); vùng III tăng 200.000 đồng (tăng 7,4%); vùng IV tăng 180.000 đồng (tăng 7,9%).
Phương án tăng này của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ được báo cáo Thủ tướng xem xét ký ban hành. Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2017.
Tác giả bài viết: Vũ Điệp