Lý do Ấn Độ dễ đuối lý trước Trung Quốc khi đưa quân tới Bhutan

Admin
Chưa cần đến một cuộc chiến nổ ra, New Delhi dễ phải hạ giọng trước một Bắc Kinh luôn nổi tiếng \"ranh mãnh\" trong các luận điệu về tranh chấp lãnh thổ.

Căng thẳng ở cao nguyên Doklam giữa Trung Quốc-Ấn Độ đã trải qua hơn một tháng mà vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Theo chuyên gia Chu Bột từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, tình hình này có thể sẽ không kéo dài khi xét về mặt lý thuyết, bất lợi dường như đang nghiêng về phía New Delhi.

Tranh chấp bắt đầu bùng lên hồi tháng 6, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đường trên cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Sau khi phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.

 Ấn Độ có lý do của mình khi một mặt bảo vệ đồng minh Bhutan, mặt khác bảo vệ lợi ích quốc gia.

Ấn Độ rơi vào thế bất lợi vì hai lý do: Thứ nhất, New Delhi thừa nhận đây không phải là tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tướng Bipin Rawat của Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times hôm 27/6 rằng, không có cuộc tấn công gây hấn nào đến từ phía Bắc Kinh và New Delhi đưa quân đến để bảo vệ lợi ích cho Bhutan.

Do đó nếu nhìn từ ngoài vào người ta sẽ thấy rằng Ấn Độ mới là bên đang gây sự với Trung Quốc.

Thứ hai, ngay cả khi Ấn Độ muốn bảo vệ chủ quyền Doklam cho về Bhutan, việc nước này tự đem quân đến thay mặt cho một quốc gia có chủ quyền – cũng được coi là hành vi không phù hợp.

Giống như bao cuộc tranh chấp lãnh thổ khác trên thế giới, việc một cường quốc mang lực lượng quân sự đến hỗ trợ cho một bên tranh chấp luôn là vấn đề nhạy cảm và gặp phải sự phản đối từ dư luận quốc tế.

Ấn Độ trên thực tế có lý lẽ của riêng mình khi họ và Bhutan xích lại gần nhau dựa trên Hiệp ước Hữu nghị năm 1949 và mới được hai nước thảo luận lại hồi năm 2007.

Trong đó Bhutan cho phép Ấn Độ “điều hướng” trong quan hệ đối ngoại của mình, một động thái được cho là khá bất thường đối với bất kỳ nhà nước có chủ quyền nào trên thế giới.

Ngược lại, Bhutan lựa chọn giải quyết tranh chấp biên giới mà không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Theo chuyên gia Chu Bột, cách tiếp cận như vậy được coi là khá kỳ lạ. Ông cho rằng hầu hết các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đều có quan hệ ngoại giao.

Lợi ích chiến lược ở Doklam là điều mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn. New Delhi coi kế hoạch xây dựng tuyến đường mới của Bắc Kinh Doklam là động thái muốn thay đổi hiện trạng và tổn hại an ninh nghiêm trọng.

 Mặc dù Bhutan chính thức nhờ giúp đỡ, việc Ấn Độ đưa quân đến đối mặt với Trung Quốc vẫn dễ vấp phải sự phản đối.

Nếu Trung Quốc kiểm soát dải đất nhỏ Siliguri (còn được gọi là “cổ gà”) – nơi căng thẳng đang bùng phát, Ấn Độ sẽ bị cô lập khỏi các tiểu bang ở phía Đông Bắc, bao gồm cả Arunachal Pradesh, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, phía Trung Quốc tin rằng nếu Ấn Độ quyết đoán hơn ở Sikkim, khu vực biên giới chung giữa hai nước sẽ khởi đầu bằng một cuộc chiến như trong quá khứ.

Mất bao lâu tình trạng gầm ghè nhau hiện tại mới kết thúc? Chuyên gia từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng đây là câu hỏi khó trả lời. Nhưng theo ông, thời gian kéo dài là điều không thuận lợi cho Ấn Độ.

Sau tất cả, những người lính Ấn Độ đang đứng trên lãnh thổ nước ngoài không thể có đủ lý lẽ như những người lính Trung Quốc đang trực tiếp tham dự vào tranh chấp lãnh thổ của chính đất nước họ.

Ấn Độ, bên tự nhận mình là đồng minh với Bhutan, nói họ can thiệp thay mặt cho người láng giềng, nhưng Trung Quốc sẽ biện minh bằng lý luận rằng công việc nội bộ giữa Trung Quốc và Bhutan phải do chính hai nước giải quyết.

Chính điều này đang là yếu tố gây trở ngại cho New Delhi trong việc bảo vệ đồng minh của mình. Trong khi ai cũng biết rằng Bắc Kinh luôn có những luận điệu ghê gớm và ngang ngược trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Hy vọng lớn nhất của Ấn Độ là Trung Quốc đồng ý cả hai sẽ cùng rút quân một lúc, để giữ thể diện cho cả hai. Nhưng đây là điều khó xảy ra khi Bắc Kinh vẫn cứng rắn khẳng định Ấn Độ phải rút khỏi đất Trung Quốc vô điều kiện trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra.