Lý do bạn không nên nặn mụn

Admin
Nặn mụn trứng cá không chỉ gây nhiều hậu quả đối với làn da mà thậm chí dẫn đến nguy cơ chết người.

Mụn trứng cá hình thành khi lỗ chân lông bị bít lại do lượng dầu thừa và các tế bào da chết, gây các nhiễm trùng nhỏ tại lỗ chân lông. Theo Viện Da liễu Mỹ, có nhiều loại mụn khác nhau như mụn mủ, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn nhọt, nốt sần và u nang. Trong đó, mụn mủ là phổ biến nhất, với viền đỏ hoặc hồng và tâm mụn vàng hoặc trắng. Mụn mủ chứa nhân mủ và xuất hiện khi mụn được nặn.

Dù khó chịu, bạn tuyệt đối không nên nặn mụn. Dưới đây là những nguyên nhân do Business Insider liệt kê.

Gây chết người

Dù khá hiếm gặp và có vẻ phi thực tế, các bác sĩ khuyến cáo không nên nặn mụn ở vùng “tam giác nguy hiểm”, tính từ hai bên miệng tới góc dưới ở mũi. Theo tờ Heathline, các mạch máu vùng này liên kết với nhiều khu vực ở hộp sọ. Bác sĩ Jeremy Brauer, phó giáo sư thuộc Khoa Da liễu tại Trung tâm Y tế Langone (Mỹ) cho biết nếu nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng và không được điều trị, nó sẽ lan tới não và có khả năng gây tử vong.

Không lấy hết được nhân

Tuy nặn mụn thỏa mãn sự ngứa tay, gây áp lực mạnh lên vùng mụn vô tình đẩy nhân vào sâu trong nang lông, thậm chí khiến nang lông vỡ ra và nhân bị nhiễm trùng ẩn trong lớp da dưới. Do vậy, dù nhìn thấy nhân ở đầu mụn và lỗ chân lông thoáng hơn, có thể nhân mụn vẫn nằm sâu trong da bạn. Điều này làm quá trình phục hồi da sau mụn dài hơn và nốt mụn khó mờ đi. Bác sĩ da liễu Allison Arthur đã từng đưa ra ý kiến trên Business Insider về việc sử dụng kem chứa hydrocortisone để giảm viêm. Bôi thêm Vaseline cũng giúp ngăn cho mụn không bị đóng vảy.

 Ảnh: Hello.

Kích thích mọc mụn mới

Trên tờ Allure, bác sĩ da liễu Sejal Shah cho rằng vi khuẩn, chất dầu và nhân trong mụn trứng cá sau khi nặn có thể lây lan. Hơn nữa, nổi mụn thường do việc chạm tay lên mặt. Trừ khi tay bạn sạch, vi khuẩn và các chất bẩn có thể lan tới các lỗ chân lông sạch.

Để lại sẹo

Đây là lý do hàng đầu để bạn không nên nặn mụn. Theo Viện Da liễu Mỹ, nặn mụn dẫn tới sẹo về lâu dài. Dù một số mờ dần theo thời gian, nhiều vết sẹo đòi hỏi các phương pháp điều trị đặc biệt như phẫu thuật laser.

Rỗ mặt

Nặn mụn để lại những cái “hố” trên mặt bạn. Chuyên gia thẩm mỹ Angela Palmer chia sẻ với Verywell Health rằng khi da bị tổn thương và lành lại thì sẽ có khả năng mô bị mất. Đây chính là khi bạn có các vết sẹo rỗ sau mụn. Tổn thương trên da càng lớn thì xác suất mô mất càng nhiều. Trang điểm thường khó che đi vết rỗ, do đó hãy tránh nặn mụn.

Vết thâm

Tình trạng này gọi là tăng sắc tố sau viêm, xảy ra khi vùng da tối phát triển trên bề mặt của một nốt mụn đã lành. Người với da sậm màu thường gặp vấn đề này với mức độ nghiêm trọng hơn. Tăng sắc tố có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phai dần và hạn chế nặn mụn không phải lúc nào cũng khiến tình trạng này giảm. Tuy nhiên, khả năng bị thâm trên da ít hơn khi bạn không nặn mụn và để chúng tự lành.

Lưu ý, đối với mụn đầu đen, bạn có thể nhẹ nhàng nặn ra do bề mặt của loại mụn này đã được mở. Theo bác sĩ da liễu Doris Day, bạn nên dùng dụng cụ nặn mụn, một vật giống móc trên gậy để từ từ đẩy phần bên trong của mụn đầu đen ra.