Mắc bệnh thận, cháu trai đếm sự sống từng ngày trong đau đớn

Admin
Mỗi ngày nhìn bạn bè đến lớp, em Nguyễn Quốc Việt đều ứa nước mắt, em cố giấu đi cảm xúc của mình để người thân khỏi buồn. Bệnh tật đã hành hạ em hơn 4 năm qua, khiến em phải chịu đựng mọi sự đau đớn; những ước mơ, dự định vừa hình thành bỗng trở nên dang dở.

Câu chuyện đầy cảm động về cháu Nguyễn Quốc Việt (14 tuổi, thôn An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) khiến chúng tôi nghẹn ngào. Đang độ tuổi đến trường như chúng bạn, sức khỏe của cháu Việt ngày một yếu nên được gia đình đưa vào bệnh viện khám thì phát hiện hội chứng thận hư. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi tuổi thơ đầy tốt đẹp của đứa trẻ ngoan hiền, học hành chăm chỉ.

 Chị Hảo phải theo dõi huyết áp thường xuyên cho con để đưa con đi điều trị kịp thời

Thế nhưng, dù mang trên mình bệnh tật, Việt chưa bao giờ để nỗi đau đớn bộc lộ ra ngoài khiến người thân phải lo lắng. Em luôn cố nén đau đớn vào trong để phụ việc gia đình giúp đỡ cho mẹ. Cả những khi đau đớn nhất nhưng khuôn mặt em vẫn nở nụ cười để người thân được vui.

Hơn ai hết, người mẹ hiền luôn thấu hiểu những đau đớn mà đứa con trai tội nghiệp đang cố giấu trong lòng. Nuốt đắng cay vào trong, chị Đỗ Thị Hảo (SN 1979, mẹ em Việt) cho biết, hai vợ chồng đều xuất thân từ nghèo khó, sinh được 2 đứa con nhưng luôn cố gắng cho chúng ăn học để sau này bớt đi phần nào khó nhọc. Cháu đầu là Nguyễn Thanh Lâm, năm nay 16 tuổi và đang học lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Quảng Trị), còn cháu thứ 2 là Nguyễn Quốc Việt.

 Những lúc trở bệnh, cháu Việt chỉ nằm một chỗ trên giường

“Sinh được 2 đứa con trai nên vợ chồng tui mừng lắm. Thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi cháu Việt mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Cháu Việt bị bệnh lúc lên 10 tuổi, lúc đó đang học lớp 5 thì bị phù mắt, phù người. Đưa đi khám thì các bác sĩ cho biết cháu bị hội chứng thận hư”, chị Hảo mủi lòng.

Chị Hảo cho biết, để chữa bệnh cho con, vợ chồng chị đã xoay xở khắp nơi để vay tiền đưa con đi trị bệnh. Ban đầu, hai vợ chồng đưa cháu Việt vào Bệnh viện Trung ương Huế khám mới phát hiện hội chứng thận hư. Tiếp đó, gia đình tui cũng đưa cháu đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để chữa nhưng không khỏi.

 Chị Hảo cho cháu uống thuốc để cầm cự với bệnh tật

Bị bệnh tật giày vò nhưng Việt bị kháng thuốc, không uống được nên càng trầm trọng. Năm 2016, cháu bị suy thận cấp, rồi phù nề trên mặt, thân. Nhìn con đau đớn mà vợ chồng chị Hảo càng thêm quặn thắt.

Từ ngày cháu Việt mắc bệnh, kinh tế gia đình dần rơi vào khánh kiệt. Để có tiền mua thuốc thang, điều trị cho con, anh Nguyễn Minh Sang phải đi làm thợ phụ hồ, còn chị Hảo đi mua rau củ ở trong xóm rồi mang lên chợ bán lại cho mọi người. Công việc của anh Sang ngày cũng kiếm được tầm 150 ngàn đồng nhưng cũng khá thất thường, về mùa mưa dường như anh phải nghỉ để làm việc khác. Còn chị Hảo thì ngày nào may mắn lắm cũng kiếm được dăm ba chục để lo cho bữa ăn hàng ngày. Trong khi đó, các con đứa thì đi học, đứa ốm đau nên chi phí tốn kém.

 Chân tay cháu có biểu hiện teo lại, người xuất hiện những vết rạn

Mỗi tháng gia đình phải đưa em Việt vào Bệnh viện Trung ương Huế khám định kỳ 2 lần, mỗi lần điều trị hơn 1 tuần. Riêng chi phí điều trị, thuốc thang cho cháu Việt cũng tốn mất vài triệu đồng. Có những lúc, chị Hảo phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đi xe và mua thuốc cho cháu.

Không có công việc và thu nhập ổn định, đầu năm nay anh Sang được người cậu gọi vào Nha Trang làm phụ nề để có tiền chữa bệnh cho con. Mọi công việc ở nhà đều phó thác cho người vợ xoay xở. Chồng đi vắng, chị Hảo lo lắng nhất là những khi con trở bệnh, lên cơn co giật, dù nằm bên con nhưng chẳng khi nào chị được ngủ yên. “Tui sợ lắm chú à, nếu mai này cháu không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật thì tui biết sống thế nào đây”, chị Hảo lo lắng.

Hiện sức khỏe của cháu Việt đang dần sa sút, chân tay ngày càng teo nhỏ lại, trong khi bụng có dấu hiệu phù to. Có khi, cả ngày trời em phải nằm trên giường, không thể đi lại được. Trên da em bắt đầu xuất hiện những vết rạn trông thật đáng thương.

 Khi khỏe cháu Việt giúp mẹ nhóm bếp luộc bắp

 ... và bán cho người đi đường để kiếm tiền lo cho cuộc sống

Vì thương mẹ vất vả nên những khi khỏe lại Việt thường giúp mẹ trông quán. Cháu Việt tâm sự: “Do bị bệnh tật nên lên lớp 5 cháu phải nghỉ học để chữa trị. Cháu không muốn mẹ phải buồn phiền vì cháu nên cố gắng dậy cho mẹ vui lòng. Cháu mong ước mình có sức khỏe để có thể đỡ đần công việc gia đình cho ba mẹ”.

 Giấy xác nhận hộ nghèo của UBND xã cấp cho gia đình anh Sang, chị Hảo

 Đơn xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn

Gia đình chị Hảo thuộc diện hộ nghèo, hai bên nội ngoại kinh tế đều khó khăn. Từ khi chung sống với nhau, cả hai vợ chồng đều chăm chỉ làm lụng để nuôi con. Để tiện cho việc sinh sống, làm ăn, hai vợ chồng liền ra ở riêng rồi mượn đất của người trong xã để dựng tạm nhà ở. Thế nhưng, căn nhà ở của hai vợ chồng cũng khá đơn sơ nên về mùa mưa thường hay thấm dột, ngày bão thì lung lay khiến anh chị đứng ngồi không yên.

Qua những năm điều trị bệnh cho con, nợ nần ngày càng tăng lên nhưng bệnh của con thì không hề thuyên giảm. Dẫu cuộc sống rơi vào túng quẫn, cùng cực, vợ chồng chị Hảo vẫn mang tâm nguyện một ngày kia con mình được khỏe mạnh, đến trường như những đứa trẻ khác.