Cục Thuế TP.HCM vừa ban hành quyết định truy thu thuế với Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (MST: 0302286281, địa chỉ 63-65-67 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) vào ngày 29/6, với tổng số tiền bị truy thu hơn 148 tỷ đồng.
Qua thanh tra, điện máy Nguyễn Kim bị truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104,74 tỷ đồng, phạt chậm nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 24,18 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,41 tỷ đồng.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Lê Duy Minh, Cục Phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết, cơ quan thuế bắt đầu thanh tra đơn vị này sau khi nhận được đơn tố cáo của người lao động. Giai đoạn thanh tra được thực hiện từ năm 2012 đến 2016.
Nguyễn Kim đang có văn bản gửi ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính về việc xin cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp này |
Kết quả, Nguyễn Kim đã kê khai sai nhiều khoản thu nhập đã trả cho người lao động, lẽ ra phải "khấu trừ tại nguồn" nhưng đã không được thực hiện.
Theo ông Minh, nếu có một nguồn thu nhập thì người lao động có thể ủy quyền cho công ty đứng ra thực hiện kê khai khấu trừ thuế tại nguồn và nộp cho cơ quan thuế. Khi khấu trừ tại nguồn thì chỉ có một số khoản là được miễn thuế và không phải kê khai, nhưng Nguyễn Kim đã kê khai sai những khoản mục này, dẫn đến các khoản không chịu thuế thực tế là phải chịu thuế.
Cụ thể, Nguyễn Kim đã lấy mức lương thấp hơn để làm cơ sở tính thuế thu nhập. Phần còn lại phân bổ vào các khoản mục khác như tiền tăng ca, tiền tăng giờ làm. Không chỉ có lương mà các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm cũng được thực hiện theo cách tương tự để giảm phần thuế phải nộp. Ở đây cần lưu ý, lương tăng ca thì chỉ nộp thuế bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế.
Báo cáo chi tiết trong giai đoạn tháng 1/2015-6/2018 cho thấy mức lương chức danh hàng tháng của một vài vị trí lãnh đạo ra rất cao, lên đến 300 triệu đồng/tháng với ban lãnh đạo, gồm 9 người nắm giữ các vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc cao cấp,... Nếu căn cứ vào con số này thì số thuế phải nộp lên đến 95,15 triệu đồng, nhưng công ty chỉ tính thuế thu nhập cá nhân đơn thuần dựa trên con số 30 triệu đồng.
“Đây là hành vi kê khai sai, toàn bộ con số vẫn hạch toán trên hệ thống kế toán. Nếu trốn thuế thì phải các con số phải nằm ngoài, hoặc có 2 sổ sách. Họ không hiểu đúng luật thuế thu nhập cá nhân”, ông Minh nhận định.
“Tuy nhiên, các khoản thu nhập thực tế đã trả hết và không ảnh hưởng đến người lao động, còn trách nhiệm nợ thuế thuộc về Nguyễn Kim”, ông Minh cho biết thêm.
Cũng theo ông Minh, Nguyễn Kim đang có văn bản gửi ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính về việc xin cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp này, nhưng trước mắt, cơ quan thuế vẫn xử lý doanh nghiệp theo đúng quy trình.
Theo luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, Công ty Luật NBLaws, pháp luật chỉ quy định về hành vi "trốn thuế, gian lận thuế" chứ không có khái niệm “lách” hay “né” thuế. “Hành vi của Nguyễn Kim là vi phạm quy định pháp luật về trốn thuế, gian lận thuế nếu có căn cứ chứng minh có hành vi kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp”, luật sư nhận định. Vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng luật cũng quy định nếu tái phạm có thể dẫn đến truy tố hình sự trong một số trường hợp.
Nguyễn Kim cũng không phải là trường hợp cá biệt. Theo Luật sư Như, hành vi kê khai sai, không trung thực là rất phổ biến với cá nhân và doanh nghiệp hiện nay, với mục đích giảm mức nộp thuế thấp nhất có thể.
“Hiện vẫn có trường hợp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận theo cách hiểu khác nhau của họ, đặc biệt với cơ chế tự khai tự nộp thuế như hiện nay. Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ giám sát lại các trường hợp quỹ lương họ trả so với mức thuế họ đóng lại quá chênh lệch nhau”, ông Duy, Cục Thuế TP.HCM, cho biết.