Mất 1.700 tỷ đồng dán nhãn, mỗi chai bia đội thêm chi phí gần 200 đồng

Admin
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành một sản phẩm nhãn bia giấy là 179 đồng và giá một sản phẩm nhãn bia in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Như vậy, số tiền chi phí doanh nghiệp bỏ ra để dán tem cho sản phẩm này hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.

 (Ảnh minh hoạ).

Mới đây, Bộ Công Thương có Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia”, trong đó có nói tới đề xuất dán tem đối với mặt hàng bia.

Về phương án này, Bộ Công Thương cho biết, số tiền chi phí doanh nghiệp bỏ ra để dán tem cho sản phẩm này hàng năm dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá thành một sản phẩm nhãn bia giấy là 179 đồng và giá một sản phẩm nhãn bia in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Giá trên đã bao gồm tất cả các loại phí và lệ phí (chưa bao gồm VAT), các chi phí đầu tư ban đầu, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian thực hiện đề án là 10 năm.

Như đã đưa tin trước đó, đề xuất dán nhãn đối với sản phẩm bia được đưa ra từ cách đây hơn 3 năm đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, trước lo ngại của doanh nghiệp ngành bia về công nghệ, Bộ Công Thương khẳng định, hiện tại Việt Nam, thiết bị chiết lon đang có công suất cao nhất là 90.000 sản phẩm/giờ. Giải pháp kỹ thuật của Đề án đã cho phép dán tem giấy và in phun theo đúng tốc độ dây chuyền chiết bia chai và bia lon hiện có trên thế giới.

Về ảnh hưởng năng suất lao động, Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp kỹ thuật trong Đề án đã có tính đến các tác động ảnh hưởng đến năng suất lao động là gần như không thay đổi, về công tác thống kê sản phẩm đã có những giải pháp dự phòng trong quá trình vận hành sản xuất, để tránh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cũng cho biết, tuy không có số liệu chính xác nhưng theo tính toán của các chuyên gia thì chênh lệch giữa sản lượng bia khi báo nộp thuế và sản lượng thực tế là từ 7-10%. Nếu tạm tính theo tổng thu ngân sách năm 2016 từ sản phẩm bia (30.000 tỷ đồng) thì số tiền thất thu ngân sách là từ 2.100-3.000 tỷ đồng.

“Việc dán tem cũng giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí về thay đổi mẫu mã để tránh bị làm giả vì chi phí bao bì trong sản phẩm bia là khá lớn. Cụ thể, như bia lon từ 52-52% giá vốn, bia chai khoảng 40%”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo thống kê, năm 2016 các nhà máy bia trên cả nước đã sản xuất 3,78 tỷ lít/năm, mức tiêu dùng bia bình quân đầu người ở trong nước đạt 34,3 lít/năm, đứng vị trí thứ 52 trên thế giới.

Bên cạnh sản xuất bia trong nước, lượng bia ngoại được nhập khẩu vào Việt Nam cũng có chiều hướng tăng nhanh. Theo thống kê của Hải quan, năm 2013 khối lượng bia nhập khẩu theo khai báo 2,69 triệu lít với giá trị 3,36 triệu USD.