Loạt content vô nghĩa đang gây tranh cãi lớn
Thời gian qua, chắc hẳn độc giả vẫn chưa thể quên được video phim ngắn với tiêu đề: “Mẹ chồng cải trang thành cái bàn bắt con dâu ngoại tình và cái kết”. Đúng như mô tả, diễn viên trong đoạn phim này đã thực sự đóng giả thành một cái bàn, còn những người xung quanh lại hồn nhiên, ngơ ngác như không biết chuyện gì đang xảy ra.
Video "cải trang" gây náo loạn MXH cách đây không lâu. |
Chính điểm vô lý này đã làm đoạn video trên thu hút sự quan tâm của người xem. Ai cũng cảm thấy khó hiểu trước ý đồ của đạo diễn và thắc mắc mục đích thực sự được gửi gắm ở đây là gì. Chỉ trong vài ngày, nó đã trở nên viral và được lan tỏa rộng rãi trên khắp các nền tảng MXH lớn, nhỏ. Những ý kiến ghi nhận hầu hết là lên án và cực kỳ bức xúc. Rõ ràng, đây là một động thái “câu view, câu like” đầy lộ liễu, coi thường thị hiếu của người xem và không mang lại bất cứ giá trị gì đáng chú ý.
|
Cứ tưởng sau đó, trước phản ứng gay gắt của khán giả thì những video “bẩn” như thế này đã bị dập tắt. Thế nhưng mới đây, nhóm tác giả thực hiện lại bất ngờ “comeback” với một đoạn video còn vô nghĩa hơn, khiến CĐM cảm thấy cực kỳ bất bình.
Từ “cái bàn” thành “xe đạp”, MXH có nên kiểm duyệt gay gắt hơn trước những content như thế này?
Theo đó, đoạn video mới có tên là: “Mẹ chồng giả làm xe đạp để bắt con dâu ngoại tềnh”. Tương tự sản phẩm trước đó, lần này vai diễn người mẹ đã đóng giả thành một chiếc xe đạp và những người xung quanh vẫn không nhận ra sự kỳ lạ. Sử dụng y nguyên mô-típ của các video trước, đoạn phim này tiếp tục nhận về hàng loạt “gạch đá” và khiến người xem cực kỳ bất mãn.
Hàng loạt video "mất não" liên tục xuất hiện để nhằm mục đích "câu view, câu like". |
Không khó để bắt gặp những bình luận gay gắt, thậm chí, một số ý kiến còn không ngần ngại sử dụng những từ ngữ nhạy cảm để chỉ trích những cá nhân đứng đằng sau video.
|
Cần phải khẳng định, chính những video như trên đã dấy lên vô vàn vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng nội dung trên các nền tảng MXH. Phần lớn người dùng, đặc biệt là giới trẻ sẽ dễ bị tác động bởi những kịch bản vô nghĩa và thiếu tính giáo dục như thế này.
Rõ ràng, nên có các chính sách kiểm duyệt chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với những nội dung không mang lại giá trị giải trí lành mạnh. Thay vì chỉ “chăm chăm” chạy theo lượt xem và tương tác, việc đặt ra những chuẩn mực và giới hạn rõ ràng cho các loại nội dung được phép đăng tải là điều cấp thiết, nhằm đảm bảo một môi trường mạng văn minh, thân thiện cho người dùng Việt Nam.