Mẹo chinh phục điểm cao môn ngữ Văn trong kì thi THPT quốc gia năm 2018

Admin
Để chinh phục điểm cao môn ngữ Văn trong kì thi THPT quốc gia năm 2018, thầy Đặng Ngọc Khương - giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn đưa ra một số lưu ý cần nhớ, các em cần nhớ trong quá trình làm bài.

Thầy giáo Đặng Ngọc Khương

Tránh tình trạng học tủ, học vẹt

Nhiều học sinh học tủ, học vẹt một số tác phẩm “trọng tâm” theo phán đoán cá nhân hoặc nghĩ rằng tác phẩm năm trước thi năm nay sẽ không bị lặp lại. Thế nhưng, người ra đề có thể hỏi nhiều dạng khác nhau. Đây cũng là cách ra đề mới mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố trong đề thi minh họa. Chính vì thế, thời gian còn lại trước kì thi THPT quốc gia môn Văn năm 2018 diễn ra, các em hãy rà soát lại các tác phẩm một lượt, có thể vẽ sơ đồ hóa tư duy để thuận tiện cho việc ghi nhớ

Xác định rõ nội dung yêu cầu phần đọc hiểu

Rất nhiều thí sinh mất điểm phần này vì không biết phân tích ngữ liệu, không xác định được chủ đề, thông điệp, không nắm vững các kiến thức tiếng Việt và tập làm văn để đọc hiểu, trả lời lan man, dài dòng không đúng trọng tâm…

Do vậy, để ăn trọn 3 điểm, các em cần chú ý đọc thật kỹ ngữ liệu, gạch chân các từ khóa trong đề bài để có thể xác định được nội dung, chủ đề chính.

Nếu đề bài yêu cầu xác phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, phép lập luận…, các em chỉ cần trả lời ngắn gọn, không trình bày dài dòng gây mất thời gian.

Trình bày câu hỏi nghị luận xã hội ngắn gọn, súc tích

Nghị luận xã hội chỉ chiếm 2 điểm trong bài thi và thường được yêu cầu trình bày dưới hình thức của một đoạn văn khoảng 200 chữ. Chính vì thế, các em chỉ nên dành khoảng 15 - 20 phút cho câu hỏi này. Hãy dùng bút và giấy nháp để vạch ra hệ thống luận điểm, luận cứ chính để khi viết tránh sa đề hay rơi vào kể chuyện.

Ví dụ, đề yêu cầu trình bày quan điểm về nguyên nhân của hiện tượng vô cảm trong xã hội hiện nay. Trong đoạn văn, các em nên tập trung làm rõ nguyên nhân. Lưu ý, trong đoạn văn nên có phần giải thích ở đầu, phần mở rộng và liên hệ ở cuối.

Đặc biệt lưu ý cách làm dạng đề so sánh và liên hệ so sánh

Nếu như dạng đề so sánh thông thường, các em phải phân chia tỷ lệ 50:50, phân tích kỹ cả 2 đối tượng rồi so sánh thì với dạng liên hệ so sánh, các em cần phải phân tích kỹ đối tượng ở chương trình lớp 12, sau đó liên hệ với đối tượng ở chương trình lớp 11 để tìm điểm tương đồng và độc đáo.

Ví dụ, các em có thể tìm mối liên hệ ở các tác phẩm sau: Sóng và Vội vàng; Người lái đò Sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông? và Tràng giang; Người lái đò Sông Đà và Chữ người tử tù...

Bên cạnh việc ôn luyện kiến thức, thời gian nghỉ ngơi cũng là điều cần thiết. Chỉ còn vài ngày nữa kì thi THPT quốc gia sẽ diễn ra, các em nên kiểm tra lại một lần nữa dụng cụ học tập và giấy báo dự thi, số báo danh.

Thầy giáo Đặng Ngọc Khương

Nguồn tin: Báo Dân trì