Những cô bé, cậu bé bước vào giai đoạn "tuổi nổi loạn" cần sự quan tâm, định hướng từ các bậc phụ huynh. Điều này không chỉ giúp các em có được tinh thần thoải mái mà còn tạo sự gần gũi, thấu hiểu với cha mẹ, sẵn sàng mở lòng chia sẻ mọi việc trong học tập cũng như đời sống.
Cùng con lập kế hoạch học tập
Chị Đỗ Quyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy các cháu bây giờ học hành vất vả quá. Bài vở trên lớp cùng với học thêm, thi cử khiến các cháu rất áp lực".
Chị cho biết ngoài động viên và chăm lo miếng ăn giấc ngủ thật tốt, bản thân không biết phải làm gì để giảm căng thẳng cho con.
Cô Phạm Thị Thúy Ngọc chia sẻ tại hội thảo "Đồng hành cùng con lập kế hoạch học tập". |
Trước những lo lắng của các phụ huynh, cô Phạm Thị Thúy Ngọc - Phó hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội) chia sẻ về giải pháp giúp con giảm áp lực học tập bằng việc cùng con lập kế hoạch học tập thông qua 5 bước sau:
Bước 1: tìm hiểu xem con phải học những môn gì, học bài và làm bài ở đâu?
Bước 2: thiết lập thời gian biểu học tập, làm việc, giải trí của con theo lịch sinh hoạt của gia đình cho phù hợp.
Bước 3: chọn bài học, môn học, định lượng cả số lượng bài, cả môn học và thời gian cho con.
Bước 4: thực hiện thử và sửa đổi bổ sung.
Bước 5: hoàn thiện kế hoạch và thực hiện.
Cô Ngọc cho biết, bản thân cũng có con vừa hoàn thành kỳ thi vào lớp 10. Vừa là giáo viên vừa là một người mẹ, cô đã đồng hành cùng con trong nhiều năm học vừa qua, giúp con xây dựng kế hoạch học tập theo từng học kỳ, từng năm học; đồng thời là xây dựng thời gian biểu chi tiết để thực hiện kế hoạch.
Cô Phạm Thị Thúy Ngọc đưa ví dụ một thời gian biểu để phụ huynh tham khảo. |
Cùng với đó, thạc sĩ Vũ Thị Hà - Giáo viên Ngữ Văn tại Hocmai.vn cũng đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh: "Khi lập kế hoạch học tập cùng con, cha mẹ nên tham khảo ý kiến các thầy cô của con ở trường, tiếp đó là hỏi ý kiến con rồi cùng nhau phân tích vấn đề và cuối cùng là căn cứ theo lịch sinh hoạt của gia đình để đưa ra kế hoạch học tập đảm bảo".
Phương pháp học phù hợp từng lứa tuổi
Để chia sẻ áp lực học tập, phụ huynh cũng cần hiểu được tâm lý của con, từ đó có các hướng dẫn những phương pháp phù hợp. Thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên trường THCS FPT cho biết: "Học sinh đầu cấp hai cần một khoảng thời gian khá dài để quen cách học ở THCS, với cách kiểm tra thường xuyên và yêu cầu cao hơn. Còn các em học sinh cuối cấp cần có lộ trình học cụ thể và phù hợp với lực học".
Theo thầy, phụ huynh nên rèn cho con cách học tập trung, cố gắng hiểu bài ngay trên lớp, có bài tập về nhà cần hoàn thành luôn.
Thầy Nguyễn Quyết Thắng tư vấn tại hội thảo "Đồng hành cùng con lập kế hoạch học tập". |
Bên cạnh việc thay đổi về tâm sinh lý, những yêu cầu ở các cấp học khác nhau cũng tác động tới phương pháp học của học sinh. Phụ huynh cần để ý ở giai đoạn chuyển cấp, chuyển lớp, có thể tham khảo thêm ý kiến từ giáo viên để có sự trao đổi với con kịp thời, cùng con tìm ra phương pháp học hiệu quả.
Quan tâm và chia sẻ đúng cách
Học sinh thường chịu áp lực từ việc học, bài vở trên lớp, cạnh tranh giữa bạn bè, kỳ vọng của thầy cô, nhà trường. Ở những năm cuối cấp, áp lực từ các kỳ thi tuyển sinh càng đè nặng lên các em. Vì vậy, nếu phụ huynh không quan tâm đúng cách thì vô hình lại tạo thêm áp lực cho con em mình.
Thay vì hỏi "con làm bài tốt không?", "hôm nay được bao nhiêu điểm?", "cố gắng đỗ trường này con nhé"… cha mẹ hãy hỏi "hôm nay con học có vui không?", "con có yêu thích môn học này không?", "con thích trường nào?".
Việc hiểu và quan tâm đúng cách sẽ giúp con cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ các vấn đề gặp phải. Từ đó, phụ huynh cùng tham gia tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề của con, trở thành một người bạn gần gũi của con, giúp con tự tin, chủ động và giảm áp lực học tập.
Chia sẻ về phương pháp học hiệu quả mà phụ huynh có thể đồng hành cùng con, cô Thúy Ngọc cho biết, học trực tuyến giúp học sinh chủ động, tự giác. Đây cũng là phương pháp học mà phụ huynh có thể sát cánh cùng con trong việc lựa chọn giáo viên, chương trình, đồng thời, lập kế hoạch và thời gian biểu cụ thể.