Mì gói Hàn Quốc bị thu hồi tại Đan Mạch vì quá cay

Huyền Lộc
Ngày 11/6, Cơ quan Thú y và Thực phẩm Đan Mạch (DVFA) ra thông báo thu hồi 3 loại mì do công ty Samyang Foods Hàn Quốc sản xuất.
mi-goi-han-quoc-bi-thu-hoi-tai-dan-mach-vi-qua-cay-1-1718334083.jpg
Mì Buldak là một trong ba sản phẩm của Samyang bị thu hồi ở Đan Mạch. Ảnh: Jean Chung/Los Angeles Times.


Theo đó, DVFA cho biết mì gà cay Buldak 3x, mì gà cay 2x và mì gà cay nước có hàm lượng capsaicin cao đến mức có nguy cơ khiến người tiêu dùng ngộ độc, theo CNN.

Capsaicin là một chất hóa học có vị cay tự nhiên được tìm thấy trong ớt. DVFA không đưa ra sự cố cụ thể nào do mỳ cay, tuy nhiên khuyến cáo người tiêu dùng nếu đã mua 3 loại mì gói nêu trên nên vứt bỏ hoặc trả lại cho cửa hàng nơi mua sắm.

Samyang Foods cho biết đây là lần đầu tiên sản phẩm của công ty bị thu hồi với lý do quá cay. "Hiện tại các sản phẩm này đang được xuất khẩu trên khắp thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên bị thu hồi với lý do này", người phát ngôn của công ty nói.

mi-goi-han-quoc-bi-thu-hoi-tai-dan-mach-vi-qua-cay-2-1718334083.jpg
Ba hương vị mì của công ty Samyang Foods Hàn Quốc bị cơ quan Thú y và Thực phẩm Đan Mạch thu hồi. Ảnh: DVFA.

Mì ăn liền có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng đã trở thành món ăn phổ biến trên khắp châu Á. Theo Công ty nghiên cứu NICE Information Service, Samyang là nhà sản xuất mì lớn thứ ba Hàn Quốc sau Ottugi và Nongshi, tính theo doanh số bán hàng vào năm 2022.

Buldak, có nghĩa là “gà lửa” trong tiếng Hàn, được Giám đốc điều hành Samyang Kim Jung-soo phát triển. Tháng 1, bà nói với trên tờ Wall Street Journal rằng mình tạo ra món này với cảm hứng từ món xào cay.

Món mì này được ra mắt vào năm 2012 và trở nên phổ biến trên mạng xã hội nhờ những các influencer quảng bá. Tháng 3 vừa qua, rapper Cardi B đã khơi lại cơn sốt món mì này bằng một video trên TikTok.

Theo những người đã ăn, mì món mì buldak nguyên bản đạt mức cay khoảng 4.000 trên thang Scoville, gần tương đương với độ cay của ớt jalapeños. Một số hương vị mới có thể cay gấp 2 hoặc 3 lần.