Theo The Verge, Microsoft cho biết đã xác định được vấn đề và cung cấp cho khách hàng của mình bản vá lỗi bằng phiên bản cập nhật mới nhất.
"Chúng tôi đã phát hành bản cập nhật bảo mật để giải quyết vấn đề này. Khách hàng áp dụng bản cập nhật, hoặc đã kích hoạt tính năng cập nhật tự động sẽ được bảo vệ", người phát ngôn của hãng tuyên bố.
|
Trong khi đó, Google cũng hứa sẽ khắc phục vấn đề cho các thiết bị bị ảnh hưởng "trong vài tuần tới". Dòng điện thoại Pixel của hãng sẽ là thiết bị đầu tiên nhận các bản sửa lỗi vào ngày 6/11. Tuy nhiên, các thiết bị di động cầm tay khác sẽ phải xếp hàng chờ. Theo thống kê, có khoảng 41% thiết bị Android dễ bị tổn thương ở mức "tàn phá đặc biệt" bởi một biến thể của Krack, liên quan đến việc điều khiển lưu lượng truy cập và cần phải tốn khá nhiều thời gian mới có thể vá lỗi được cho các thiết bị cũ.
Một số nhà sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Android cũng cho biết sẽ sớm tung ra bản vá lỗi cho các thiết bị của mình.
Hiệp hội Wi-Fi (Wi-Fi Alliance), một mạng lưới các công ty chịu trách nhiệm về Wi-Fi, cũng sớm có phản ứng với vấn đề này. Người phát ngôn của hiệp hội cho biết: "Vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc cập nhật phần mềm một cách đơn giản. Các nhà cung cấp nền tảng lớn đã bắt đầu triển khai bản vá cho người dùng".
Apple cũng xác nhận lỗ hổng này đã được vá trong phiên bản thử nghiệm trên các hệ điều hành hiện tại và bản cập nhật sửa lỗi sẽ được công khai trong vài tuần.
|
Krack, viết tắt của Key Reinstallation Attack là tổ hợp các phương thức tấn công vào lỗ hổng để phá vỡ WPA2, phương thức bảo mật đang được sử dụng để bảo vệ phần lớn các kết nối Wi-Fi. Điều này đồng nghĩa kẻ xấu có thể tấn công và ăn cắp thông tin qua kết nối Internet không dây. Các chuyên gia bảo mật cho biết những thiết bị chạy hệ điều hành macOS, Windows, iOS, Android và Linux sẽ bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng này.