Miền Bắc sắp đón đợt lạnh, mùa Đông có thể đến sớm

Admin
Chuyên gia dự báo thời tiết cho biết, khoảng cuối tháng này, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh và rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm có thể xảy ra sớm.

Liên quan đến xu hướng thời tiết từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina từ khoảng tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%, sang đến đầu năm 2022 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.

 Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.

Theo ông Hưởng, từ giữa tháng 9/2021 đến hết năm 2021, trên Biển Đông còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng trong tháng 1/2022 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

"Cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập xảy ra trong tháng 10 và tháng 11 (đặc biệt là tháng 10) ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Sang nửa đầu tháng 12/2021 khu vực này còn có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to", ông Hưởng lưu ý.

Ngoài ra, ông Hưởng thông tin tiếp, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021. Không khí lạnh có xu hướng gia tăng tần suất trong các tháng chính Đông. Rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn; trong mùa khô, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

 Cuối tháng này miền Bắc đón không khí lạnh.

Còn diễn biến thời tiết đêm qua và sáng nay (15/9), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua (14/9), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn (lượng mưa tính từ 19h ngày 14/9 đến 3h ngày 15/9) như: Yên Thành (Nghệ An) 110.4 mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 79.4 mm, Minh Hóa (Quảng Bình) 150.2 mm, Bố Trạch (Quảng Bình) 138.8mm, Vĩnh Linh (Quảng Trị) 79.4 mm, Nhà Bè (TPHCM) 124.8 mm, Thành phố Bến Tre 138.6 mm, Hòn Đất (Kiên Giang) 184.4 mm,…

Dự báo, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ngày hôm nay (15/9), ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70 mm, riêng khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-90 mm, có nơi trên 120 mm.

Khu vực Hà Nội, ngày hôm nay (15/9) sáng có mưa vừa, mưa to và giông; chiều và đêm có lúc có mưa rào và giông.

Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối nay (15/9) có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-50 mm, có nơi trên 70 mm.

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí