Giáo dục

Miễn phí học 2 buổi/ngày: Chính sách nhân văn, cần sớm khắc phục điểm khó để thực hiện

Nhà trường không được thu phí dạy 2 buổi mỗi ngày, tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật, giảm áp lực... là quyết sách nhân văn, góp phần tạo nên môi trường giáo dục hiện đại, công bằng và chất lượng. Để thực hiện chính sách này cần sớm tháo gỡ những khó khăn về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất...

Văn phòng Trung ương Đảng vừa thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thống nhất chủ trương các trường Tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày, tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Nhà trường không được thu phí dạy 2 buổi mỗi ngày, đồng thời tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật, giảm áp lực, đảm bảo học sinh phát triển toàn diện.


TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, đây là quyết sách đúng đắn, mang tính đột phá, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển toàn diện về văn hóa, nghệ thuật, được học tập trong một môi trường giáo dục hiện đại, công bằng và chất lượng. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt với việc nâng cao điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vốn còn nhiều khó khăn, số trẻ tới lớp còn thấp.

Là giáo viên THCS trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thu Anh, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, chủ trương dạy 2 buổi/ngày không thu học phí là chính sách nhân văn, phù hợp với yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh, tăng cường học văn hóa, nghệ thuật giúp học sinh phát triển năng khiếu, kỹ năng sống, hướng đến sự phát triển toàn diện. Nếu các trường THCS dạy học 2 buổi/ngày miễn phí cũng sẽ hạn chế tình trạng học thêm tràn lan, học thêm "trá hình" trong các nhà trường khi Thông tư 29 có hiệu lực, từ đó giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh.

Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, theo cô Thu Anh, cần giải quyết được bài toán thiếu giáo viên và trường lớp tại nhiều cơ sở giáo dục. Bởi thực tế hiện nay, ở Hà Nội vẫn còn những trường phải học nửa ngày, thậm chí học luân phiên vì thiếu trường lớp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có hướng dẫn về thù lao với giáo viên khi dạy buổi thứ 2.

“Hiện nay Bộ GD-ĐT có quy định dạy thêm không thu phí với học sinh cuối cấp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém và đề nghị các địa phương bố trí ngân sách. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có các khoản kinh phí hỗ trợ từ địa phương, nhiều trường hiện nay vẫn đang vận động giáo viên dạy miễn phí, hoặc có hỗ trợ với mức rất thấp so với tiền dạy thừa giờ theo quy định. Nếu thực hiện dạy 2 buổi/ngày miễn phí, cần có quy định rõ ràng về thù lao để giáo viên yên tâm công tác”, cô Thu Anh chia sẻ.

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT hiện toàn quốc mới có trên 60% số trường THCS đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều trường THCS chưa đủ cả điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để sẵn sàng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tại Hà Nội, quận Ba Đình mới chỉ có 55% số học sinh của 13 trường THCS được học 2 buổi/ngày, tỉ lệ này ở quận Hai Bà Trưng là khoảng 50%, trong khi quận Cầu Giấy chỉ tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh khối lớp 6 và 7 của 7/11 trường THCS trên địa bàn.

Một Trưởng phòng GD-ĐT ở quận nội thành Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày là cơ sở vật chất, phòng học còn hạn chế, tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, trước đây mức thu học phí hỗ trợ buổi thứ 2 của học sinh THCS là 235.000/em/tháng. Khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày không thu phí cũng cần có giải pháp tài chính bù đắp phần kinh phí này cho các trường để tu bổ cơ sở vật chất và chi trả cho giáo viên giảng dạy.

“Chủ trương dạy 2 buổi/ngày miễn phí là chính sách rất nhân văn, đặc biệt buổi thứ 2 chú trọng đến phát triển văn hóa, nghệ thuật, sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện, khi thực hiện đồng loạt trên cả nước sẽ tạo ra sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Song để thực hiện ngay sẽ rất khó khăn mà cần lộ trình cụ thể, đặc biệt là khắc phục những khó khăn, tồn tại về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên", vị này cho biết.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP