Giáo dục

Mối quan hệ với giáo viên ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của tuổi teen

Quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh giúp tăng cường các hành vi ứng xử tốt ở tuổi teen. Đó là kết quả nghiên cứu của trường ĐH Cambridge (Anh).


moiquanhevoigiaovienanhhuongdenhanhviungxucuatuoiteen

Bằng việc tập trung nghiên cứu tác động của mối quan hệ với giáo viên trong hành vi của giới trẻ, nghiên cứu này cho thấy quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh có thể góp phần hạn chế hiệu quả những hành vi xấu và phát triển nhân cách cho giới trẻ.

Theo đó, khi ở độ tuổi 10-11 tuổi, nếu học sinh có quan hệ tốt với một giáo viên sẽ có tác dụng rõ rệt trong việc phát triển các hành vi xã hội tích cực như tinh thần tương trợ, hợp tác và lòng vị tha, đồng thời với việc giảm đáng kể những hành vi “có vấn đề” trong lớp học như gây sự, chống đối.

Nghiên cứu cũng cho thấy ảnh hưởng tích cực từ mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh khi trẻ em bắt đầu bước vào tuổi teen sẽ được kéo dài trong khoảng bốn năm sau đó, điều rất có có giá trị vì đó cũng chính là những năm khó khăn đối với lứa tuổi này.

Các nhà nghiên cứu cho biết những học sinh có nhiều mối quan hệ tích cực với giáo viên của mình thể hiện kết quả rất cụ thể: Trung bình sẽ tăng 18% những hành vi tương tác xã hội tích cực (và sẽ giữ tiếp ở tỷ lệ 10% sau hai năm tiếp theo) và giảm 38% những hành vi tiêu cực, gây sự (và sẽ giảm ở mức 9% tới bốn năm sau đó) so với những học sinh cảm thấy có mâu thuẫn hoặc phản ứng tiêu cực giáo viên.

Mỗi quan hệ tích cực với giáo viên cũng mang lại hiệu quả trong việc giảm tới bình quân 56% những hành vi ngang ngạnh, chống đối, ví dụ như sẵn sàng gây gổ, cãi cọ, trả thù…Tới ba năm sau, những hành vi này vẫn còn giảm tới 22%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ tốt với giáo viên đối với trẻ nhỏ. Việc đào tạo, hỗ trợ các giáo viên mầm non phát triển kỹ năng xây dựng quan hệ với học sinh sẽ có mang lại hiệu quả trong giáo dục hành vi ứng xử cho trẻ.

"Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em. Những học sinh cảm thấy được ủng hộ, chia sẻ có xu hướng ít gây gổ hơn và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người khác hơn. Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy điều này đúng với cả học sinh từ độ tuổi mẫu giáo cho đến tuổi teen” – Tiến sĩ Ingrid Obsuth, người chủ trì nghiên cứu này cho biết- “Các chính sách về giáo dục và nhà trường nên quan tâm đến việc hỗ trợ giáo viên gây dựng những mối quan hệ tích cực với học sinh”.

Giáo sư Manuel Eisner (trường ĐH Cambridge), chuyên gia cao cấp của nghiên cứu chia sẻ "Mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau đối với phong cách và cá tính của giáo viên. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi một đứa trẻ có ấn tượng về một giáo viên nào đó, theo cách này hay cách khác, nó có thể để lại những tác động lâu dài có thể nhận biết được trong hành vi của trẻ” . Vì vậy theo tiến sĩ Obsuth: "Kỹ năng xây dựng một mối quan hệ gắn bó và luôn hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh nên trở thành một nội dung trong chương trình đào tạo giáo viên. Và đây sẽ là một phương thức để giúp giới trẻ phát triển một cách lành mạnh” .

Tác giả bài viết: An Khanh (Journal of Youth and Adolescence)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP