Món ăn nhiều người thích nhưng là nguồn lây hàng đầu của cúm A/H5N1

Hậu Nguyễn
Thông tin một bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1 khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, chuyên gia chỉ ra các món ăn mà nhiều người ưa thích lại có thể là nguồn lây của loại dịch bệnh này.

Mới đây, trường hợp nam thanh niên ở Khánh Hòa tử vong vì cúm A(H5N1) đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Bộ Y tế cho biết, đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (50,8%). Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

mon-an-nhieu-nguoi-thich-nhung-la-nguon-lay-hang-dau-cua-cum-a-h5n1-1711441749.jpg

 

Dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, con người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Đáng chú ý, nhiều món khoái khẩu của người Việt được xếp vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm căn bệnh này.

"Tiết canh là một điển hình. Các loại tiết canh gia cầm như tiết canh vịt được nhiều người ưa chuộng vì nghĩ rằng không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, món ăn này vẫn tồn tại hàng loạt mầm bệnh vì không được chế biến nhiệt.

Nếu ăn tiết canh từ con vật mang virus H5N1, cũng có nghĩa đang đưa trực tiếp loại virus này vào người", BS Thiệu cho hay.

Với các loại thịt gia cầm chưa chế biến chín, vẫn còn sống, tái cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm H5N1 vì mầm bệnh (nếu có) chưa bị tiêu diệt. Đặc biệt chuyên gia này lưu ý nguy cơ khi ăn các loại chim trời đặc sản, vì người dân chuộng cách chế biến tái cho "ngọt, bổ".

Virus cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm qua con người khi ăn trứng chưa được nấu chín.

"Khi ăn trứng sống, trứng chần hoặc trứng lòng đào, nếu trứng có virus H5N1, chúng ta cũng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm loại virus này. Người dân chỉ ăn trứng mua từ những cơ sở uy tín. Đặc biệt không sử dụng các loại trứng có vỏ bị nứt, có lỗ và vết bẩn trên vỏ để làm trứng chần, trứng lòng đào", BS Thiệu phân tích.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu giết mổ, chế biến gia cầm.

mon-an-nhieu-nguoi-thich-nhung-la-nguon-lay-hang-dau-cua-cum-a-h5n1a-1711441792.jpg

 

Virus cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm qua con người khi ăn trứng chưa được nấu chín (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế cho biết, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.

Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (~50%).

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.