Du khách đến các vùng núi phía bắc Việt Nam, đừng quên ghé chân vào các khu chợ phiên để khám phá ẩm thực địa phương. Dưới đây là một số món ngon mọi người dễ tìm thấy ở Mù Cang Chải, Yên Bái.
Xôi ngũ sắc
Khi thưởng thức, thực khách có thể cảm nhận được vị dẻo của nếp nương, kèm theo mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ của lá hoặc nguyên liệu chế biến cùng. Ảnh: Minh Đức. |
Xôi ngũ sắc là món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái. Tùy theo nhu cầu mà người chế biến có thể sử dụng nhiều hoặc ít màu đi. Bạn có thể thấy các màu phổ thông của món xôi ngũ sắc như: trắng, đen, tím, vàng.
Sự tài tình của người dân tộc là biết sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu cho xôi. Với màu trắng, người ta chỉ đơn giản dùng gạo nếp đồ lên. Màu xanh, đỏ được làm từ cây cơm xôi xanh, cơm xôi đỏ. Với loại màu đen hay tím, người nấu dùng lá cây gùn để ngâm gạo, tùy vào mức độ pha mà ra được màu sắc.
Bánh chưng đen
Không cầu kì về hình thức, những chiếc bánh chưng “ăn chơi” cho người đi chợ vẫn giữ được hương vị truyền thống vốn có. Ảnh: Minh Đức |
Bánh chưng đen là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò tại tỉnh Yên Bái. Thông thường, bánh chưng chỉ được làm trong dịp tết như người Kinh, nhưng nếu may mắn, bạn vẫn thấy món này trong các phiên chợ vùng cao.
Điều đặc biệt của bánh chưng đen là hình dáng của bánh và màu sắc. Người Thái gói bánh chưng hình trụ, hoặc gấp lá như bánh tẻ ở dưới xuôi. Gạo nếp nương được ngâm với lá cây núc nác để có màu đen đặc trưng. Các nguyên liệu đều được chọn lọc cẩn thận, bao gồm lá dong rừng, thịt lợn rừng hoặc lợn cắp nách. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng khoanh nhỏ hoặc ăn nguyên cả chiếc.
Cá suối nướng pa pỉnh tộp
Cá nướng (pà pỉnh tộp) là món ăn mà nhiều du khách muốn thử nhất trong các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Minh Đức |
Nhắc tới ẩm thực người Thái không thể thiếu cá nướng pa pỉnh tộp. Tên gọi độc đáo này nghĩa là “cá gập nướng” trong tiếng Thái. Họ thường chỉ sử dụng cá chép suối để nướng. Người nấu dùng các nguyên liệu đặc trưng trong ẩm thực Thái như quả mắc khen, gừng, tỏi, rau thơm để ướp vào thịt cá.
Cá được đặt lên than hoa nướng trực tiếp hoặc kẹp vỉ. Thịt cá suối mềm, ngọt thơm, không bị bở và khô. Hương vị của cá hòa quyện với các loại gia vị khiến cho món ăn trở nên đặc biệt, đọng lại trong tâm trí thực khách.
Gà nướng lá mắc mật ăn kèm với chẳm chéo
Bạn có thể kết hợp chẳm chéo làm gia vị chấm khi ăn với xôi ngũ sắc, gà nướng. Ảnh: Minh Đức |
Với các món nướng của người Thái, lá mắc mật là nguyên liệu quan trọng. Thịt gà được nướng cùng là mắc mật có vị chua chua, ngọt ngọt của lá. Bên cạnh đó, người ta thường chấm thịt gà với “chẩm chéo”- hỗn hợp tiết và gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khen. Chẩm chéo là loại đồ chấm đặc biệt của người dân tộc, hơi sánh và đặc. Khi ăn kèm thịt gà nướng, thực khách có thể cảm nhận được cả vị chua ngọt của lá mắc mật, vị thanh nhẹ của mắc khen và chút cay của ớt.
Tác giả bài viết: Minh Đức