Một phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực ở khách sạn

Admin
Chị H.T.Y.L (27 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch và huyết áp bằng 0 sau khi tiêm filler nâng ngực tại một khách sạn ở quận 10, TP.HCM.

 Hiện trường nơi cô gái nâng ngực trong khách sạn. (Nguồn: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh)

Sáng 29/6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh về một trường hợp tử vong sau khi thực hiện thẩm mỹ tại một cơ sở thẩm mỹ “chui.”

Thẩm mỹ "chui," thẩm mỹ không phép đang là vấn đề thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, ngày 27/6, đơn vị tiếp nhận một trường hợp đến cấp cứu là chị H.T.Y.L (27 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau).

Nạn nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch và huyết áp bằng 0. Các bác sỹ đã cố gắng cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.

Qua khai thác thông tin, người nhà cho biết, sáng 27/6, chị L đến Khách sạn DONA (địa chỉ 783 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) để thực hiện tiêm filler nâng ngực. Chỉ ít phút sau khi tiêm filler, chị L xuất hiện tình trạng sùi bọt mép, tím tái rồi lâm dần vào ngưng tim, ngưng thở.

Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Quận 10 thụ lý điều tra.

Sau vụ việc, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận “thẩm mỹ chui” không phải là vấn đề mới và đã trở thành một thách thức đối các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Điều đáng lo ngại là hoạt động này đang có xu hướng chuyển vào các địa điểm có thể né tránh cơ quan chức năng như khách sạn, nhà trọ… Hậu quả là gây ra những tai biến nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước tình hình trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra Sở và Phòng Y tế các quận, huyện tăng cường quản lý và kiểm soát hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, xử lý nghiêm các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định.

Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong các hoạt động thông tin, nhận thức, ngăn ngừa và phát hiện sớm các hoạt động thẩm mỹ không phép; tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng liên quan hoạt động thẩm mỹ không phép.

Sở Y tế đề xuất sớm đưa vào hoạt động (sau giai đoạn thí điểm) phần mềm khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú (phần mềm ASM) tại các khách sạn, căn hộ cho thuê…; xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân, tạo môi trường hỗ trợ từ cộng đồng, kịp thời phát hiện và báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ...; khuyến khích người dân, người lao động tại các khách sạn, nhà trọ… khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ cần cung cấp thông tin, phản ánh đến cơ quan chức năng.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an Thành phố, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân quận/huyện và thành phố Thủ Đức… tổ chức các hội thảo, thống nhất các giải pháp mang tính đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt nhằm sớm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp Giấy phép hoạt động, gây tai biến y khoa đặc biệt dẫn đến tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, Sở Y tế cương quyết xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật./.

Tác giả: Đinh Hằng

Nguồn tin: vietnamplus.vn