Theo đó, vào khoảng 9h, ngày 15/9, một thuyền viên trên tàu mang số hiệu KG - 9262TS đang đứng bên mạn tàu tại khu vực tránh trú bão ở vị trí cọc phao 14 - 15, luồng Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu đã bị sóng to hất văng xuống biển mất tích.
Triều cường lên cao kết hợp sóng đánh lớn khiến nhiều vùng ven biển bị ngập |
Danh tính thuyền viên gặp nạn được xác định là Chế Văn Giang (SN 1995), trú tại khu 4, phường Vĩnh Long, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhận được thông tin, Đồn Biên phòng cảng cửa khẩu Hải Thịnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định phối hợp với lực lượng của Cảng vụ Hải Thịnh đã tổ chức việc tìm kiếm. Tuy nhiên, cho đến 16h30 cùng ngày, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả...
Nhiều tuyến đê các huyện ven biển bị sạt lở sau cơn bão số 10 |
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 10, kết hợp triều cường lớn, sóng đánh mạnh khiến nhiều đoạn đê các huyện ven biển bị sạt lở. Trong đó, đoạn đê thuộc khu vực Cồn Tròn (xã Hải Hòa) bị sạt lở 1/3 phía trong đê, đoạn bị sạt lở dài khoảng 300 m; đoạn đê kè biển Hải Thịnh 3 (thuộc khu 22, thị trấn Thịnh Long) bị sạt lở phía trong đê, đoạn bị sạt lở dài 800 m, cấu kiện bê tông xếp ở đỉnh kè bị sóng đánh trải ra mặt đê không đi lại được. Tại bãi tắm Thịnh Long, 120 nhà dân, ki-ốt bán hàng bị nước biển xâm chiếm...
Tại huyện Giao Thủy, khu vực cống số 9 bị sóng đánh tràn qua tường chắn sóng. Riêng cống Thanh Niên,mang cống phía biển bị sạt lở 100 m2.
Người dân hối hả di chuyển đồ đạc ra khỏi vùng ngập lụt |
Đến 14h ngày 15/9, mực nước triền sông Đào vượt trên báo động I 0,22 m; mực nước lũ trên tại đê tả, hữu sông Ninh Cơ hầu hết vượt mức báo động III, riêng những đoạn đê thấp tuyến hữu của sông Ninh Cơ mực nước chỉ cách mặt đê từ 0,5-0,7 m. Trên sông Hồng, mực nước từ cống Cổ Lễ (Trực Ninh) xuống đến cửa Ba Lạt đều vượt mức báo động III…
Trước tình hình mực nước ở các sông lên nhanh cộng với triều cường kết hợp sóng to trong khi nhiều bãi sông trên địa bàn tỉnh bị ngập, sạt lở, nhiều đoạn đê kè bị hư hỏng, tỉnh Nam Định chỉ đạo các huyện, địa phương ven biển theo dõi sát diễn biến của bão, thường xuyên kiểm tra, theo dõi hệ thống thủy lợi, đê điều, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố xảy ra; đồng thời tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân.
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm chủ động phòng chống úng, ngập khi có mưa lớn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các phương án di dân, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.