Nhưng theo quan điểm của tác giả Hoàng Hữu Đức cho rằng, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì trước hết phải bắt đầu từ đổi mới đội ngũ quản lý.
Trong bài viết này, tác giả chỉ ra những lý do đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Đội ngũ quản lý giáo dục cấp Bộ là lực lượng nòng cốt hoạch định các chính sách giáo dục quốc gia, không chỉ đi đầu mà còn trực tiếp thực hiện các chương trình cải cách, đổi mới giáo dục cũng như các dự án giáo dục lớn.
Đội ngũ chuyên viên giáo dục cấp Bộ là những người sản xuất, ban hành các thông tư, chỉ thị, quy chế, chuẩn mực, phương pháp, cách thức tổ chức mọi hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Vì vậy, đây là lực lượng đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc quản lý và vận hành hoạt động giáo dục và đào tạo.
Do đó, việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay, việc đầu tiên có tính cấp thiết và ý nghĩa sống còn là phải đổi mới ngay đội ngũ quản lý cấp Bộ.
Đã xuất hiện quá nhiều các trường hợp những thông tư quy chế, quy định, chuẩn mực được các cơ quan quản lý ở Bộ ban hành thiếu sức sống, không thiết thực, đội ngũ giáo viên không hiểu, không biết cách thực hiện.
Dẫn đến tình trạng nhiều thông tư, quy chế có định hướng tốt đẹp, tiến bộ, có giá trị đổi mới nhưng khi triển khai thực hiện lại không đạt được hiệu quả mong muốn.
Thậm chí dẫn đến sự bức xúc trong dư luận; nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và cả các phụ huynh phàn nàn, kêu ca, phản đối… Điển hình như vụ Thông tư 30 ban hành tháng 8/2014.
Đặc biệt nguy hại là khi tính khả thi của các Thông tư gặp vấn đề, việc thực hiện Thông tư ở các vùng miền, các cơ sở giáo dục có sự chênh lệch, đội ngũ giáo viên và học sinh khốn khổ, cha mẹ học sinh bức xúc, cán bộ quản lý cấp trường đau đầu, bế tắc… thì người ta lại đổ lỗi cho giáo viên, quy kết giáo viên không hiểu, không biết làm, không chăm chỉ…
Điều đó thật phi lý, chứng tỏ sự quan liêu đã trở thành trọng bệnh trong bộ máy quản lý giáo dục của nước ta.
Điều này chứng tỏ những người đề xuất và tiến hành các dự án, các thông tư không chỉ thiếu cái tâm mà còn rất thiếu cái tầm của nhà quản lý.
Để thực hiện một dự án giáo dục, cần phải nghiên cứu hết sức kĩ lưỡng và toàn diện hàng loạt vấn đề như: điều kiện cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, đặc điểm giáo dục khác nhau ở các vùng miền, phương pháp tổ chức giáo dục; nội dung, chương trình sách giáo khoa, tính khả thi…
Trên cơ sở đó, mới đề xuất cách thức tổ chức thực hiện: từ việc ban hành thông tư, chỉ thị đến việc tập huấn đội ngũ giáo viên, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa… đưa ra một lộ trình thực hiện phù hợp; nhất thiết phải có thí điểm, sơ kết, tổng kết, rồi mới có thể áp dụng đại trà; thì thông tư, chỉ thị, dự án mới đi vào đời sống một cách tự nhiên và đầy sức sống được.
Ấy là còn chưa kể đến nhiều Thông tư, nhiều chương trình giáo dục “lên giời”, hoặc “hoang tưởng trầm trọng”, ban hành xong, giải ngân xong rồi thì nằm đó hoặc vận hành ì ạch theo kiểu “đem con bỏ chợ”, “cha chung không ai khóc”.
Tiêu biểu như các chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS ở nước ta mấy năm gần đây.
Chúng tôi cho rằng việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đất nước hôm nay, việc đầu tiên, cấp thiết và mang tính bản lề là phải đổi mới ngay đội ngũ quản lý giáo dục ở chính Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, phải rà soát lại đội ngũ chuyên viên giáo dục ở các Vụ, Viện, cơ quan trong Bộ.
Có một thực tế tức cười là nhiều chuyên viên giáo dục ở Bộ chưa hề dạy học hoặc dạy học rất ít.
Nhiều người công tác ở Vụ Tiểu học, Vụ Trung học phổ thông… mà chưa hề có kinh nghiệm hoặc trải qua giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông. Không ít cán bộ lãnh đạo ở các Vụ cũng rơi vào tình trạng này.
Nhiều người là giảng viên các trường đại học, sau một thời gian công tác, học hành, dán đủ các thứ nhãn mác về học hàm, học vị, nghiễm nhiên trở thành chuyên gia giáo dục, sản xuất và hoạch định ra các Thông tư, các dự án, các chương trình giáo dục.
Nhiều chuyên viên quản lý giáo dục ở Bộ chưa có kinh nghiệm gì về giáo dục.
Tốt nghiệp Đại học xong, được giữ lại trường làm giảng viên, học xong Thạc sĩ, Tiến sĩ thế là trở thành “chuyên gia giáo dục”.
Câu chuyện bi hài ấy là thực tế đáng báo động trong bộ máy quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới đội ngũ quản lý giáo dục (Ảnh minh họa từ petrotimes.vn)
Kỳ hơn nữa, nhiều Tiến sĩ chuyên ngành phương pháp dạy học mà chưa hề dạy học hoặc dạy học vô cùng ít. Những người này mà làm quản lý giáo dục thì “Thôi rồi! Nhân dân ơi!”.
Không biết ngài Bộ trưởng mới đã có khi nào nghĩ đến điều này chưa nhỉ?
Liệu ngài Bộ trưởng có dám rà soát lại một cách kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của mình không nhỉ?
Rà soát xong, chúng tôi tin rằng nhiều vị lãnh đạo ở Bộ GD&ĐT sẽ “giật mình thon thót”.
Thứ hai, phải đổi mới ngay quy trình quản lý, thực hiện các dự án, các chương trình giáo dục.
Từ việc thẩm định và xét duyệt dự án đến việc phân bổ nguồn kinh phí, tổ chức thực hiện, tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát; tổng kết và nghiệm thu dự án…, cần phải xem xét và thay đổi lại quy trình này một cách khoa học, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của đất nước, khu vực và trên thế giới.
Đã đến lúc chấm dứt kiểu quản lý xin cho hoặc điều tiết kinh phí theo quan hệ thân hữu hoặc lợi ích nhóm.
Một thực tế đáng buồn là công cuộc đổi mới ở nước ta đã tiến hành được 30 năm với biết bao thành tựu, thế nhưng bộ máy quản lý giáo dục ở Bộ GD&ĐT đã đổi mới được bao nhiêu? Hay là vẫn thế?
Cũng cần phải có thêm nhiều cơ quan kiểm định độc lập với Bộ GD&ĐT, có đủ năng lực đánh giá khách quan, khoa học và công bằng những hoạt động giáo dục của Bộ GD&ĐT; đủ sức mạnh cảnh báo, phủ nhận để các cơ quan quản lý giáo dục của Bộ phải kịp thời chỉnh sửa, thay đổi các chính sách của mình, không để cho tình trạng bức xúc kéo dài, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi.
Cuối cùng, phải quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức, cơ quan phụ trách các dự án, các chương trình giáo dục.
Nếu sai, hỏng, thiếu hiệu quả thì tùy theo mức độ, những cá nhân tổ chức này phải bị xử lý kỷ luật.
Từ 1954 đến nay, riêng trong Bộ GD&ĐT, hiếm thấy một cán bộ quản lý cấp cao nào bị cách chức do năng lực yếu kém, do động cơ thiếu trong sáng, hoặc do làm bừa, làm ẩu.
Cần phải thay máu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở nước ta ngay lập tức.
Bắt đầu từ Bộ, rồi đến Sở, đến Phòng và các Trường.
Có như thế thì hệ thống giáo dục phổ thông cả nước mới thực sự đổi mới và có được nguồn sinh khí và sinh lực cần thiết, hiệu quả.
Giáo dục luôn là lĩnh vực nhiều ngổn ngang và vô cùng nhạy cảm.
Tuy nhiên, với một đội ngũ quản lý giáo dục vững vàng, hiểu biết sâu sắc thực tế giáo dục, vừa có tâm lại vừa có tầm, chắc chắn công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp như Nghị quyết của Đảng và mong ước của Nhân dân.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.
Tác giả bài viết: Hoàng Hữu Đức