Các chuyên gia tại đại học Northwestern đã tiến hành nghiên cứu trong suốt hai thập kỷ qua về tác động của hôn nhân đến sức khỏe con người. Theo đó, cứ năm năm một lần, các cặp vợ chồng sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm và trực tiếp kể lại những cuộc cãi vã của mình. Từ cuộc trò chuyện, các chuyên gia sẽ tiến hành ghi chép, phân tích các biểu hiện trên gương mặt, ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và liên hệ với tình hình sức khỏe của các cặp đôi.
Kết quả cho thấy, có tới 80% các ông chồng nổi nóng và tức giận khi tham gia khảo sát thì cũng xuất hiện các triệu chứng tim mạch như đau ngực, đau tim và bị khó thở. Trong khi đó, tỉ lệ mắc bệnh ở những người chồng bình tĩnh, ôn hòa chỉ là 53%. Các nhà khoa học cũng giải thích rằng cơn giận dữ làm tăng huyết áp và nhịp tim, trong thời gian dài sẽ gây ra nguy cơ lớn lên hệ tuần hoàn.
Và các cơn nóng giận không phải thủ phạm duy nhất gây suy giảm sức khỏe. Những người đàn ông có xu hướng khép kín cảm xúc, không chịu chia sẻ, không nhìn vào mắt của người bạn đời cũng có những triệu chứng như căng cơ, đau lưng và hơn một nửa số người này bị các vấn đề về cơ bắp. Trong khi đó, tỉ lệ mắc bệnh ở những người đàn ông giàu xúc cảm chỉ là 23%.
Sau khi nhận ra mối liên hệ trực tiếp giữa cãi nhau và sức khỏe, các nhà khoa học cũng đưa ra một giải pháp để giúp các cặp đôi hạn chế xung đột. Chuyên gia Claudia Haase, chủ nhân của chương trình nghiên cứu đề xuất rằng bất khi nào cảm thấy cái đầu đang dần “nóng” lên, mỗi người nên dành thời gian đi bộ để tĩnh tâm. Thay vì la hét và phản ứng dữ dội, sau khi đi bộ một đoạn đường dài, cơ thể lẫn đầu óc con người đều sẽ được lắng dịu và giúp giảm thiểu căng thẳng, cãi vã.
Tác giả bài viết: Trà Xanh