“Mỹ nhân ngư” là cái tên mỹ miều mà ngư dân dành riêng để gọi cá mặt thỏ – một loài cá xuất hiện tại các vùng đảo Phú Quý, Bình Thuận, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Chúng được xem như “lộc biển”, là “cá vàng, cá bạc” bởi khó đánh bắt, quý hiếm và có giá bán rất cao. Có khi hàng trăm ngư dân lênh đênh giữa biển khơi cả tháng trời mới bắt gặp vài chục con.
Cá mặt thỏ gắn liền với truyền thuyết về vương phi Mỵ Ê – vốn là đại mỹ nhân đẹp nghiêng nước nghiêng thành và được vua Chăm Pa hết mực sủng ái. Theo đó, khi quân Chiêm Thành nhận thất bại thảm hại trong cuộc giao tranh với quân Đại Việt, hàng trăm cung tần mỹ nữ, trong đó có vương phi Mỵ Ê, đã bị bắt để mang về kinh thành Thăng Long.
Khi đến địa hạt Hóa Châu (vùng đảo Lý Sơn ngày nay), thấy cảnh trăng sáng hữu tình cùng tâm trạng hưng phấn vì chiến thắng, vị vua trẻ tài năng Lý Thái Tôn cho trung sứ mời Mỵ Ê sang chầu. Tuy nhiên, nàng đã nhảy xuống biển tự vẫn để giữ tiết hạnh với chồng. Trân trọng sự thủy chung này, vua phong tước Hiệp chánh hộ thiên và cho lập đền thờ nàng.
Người dân đảo Lý Sơn vẫn truyền nhau rằng, sau ngày Mỵ Ê nhảy xuống, vùng biển bỗng xuất hiện một loại cá lạ: đuôi cá – đầu thú – răng thỏ nhưng mang thân hình thắt đáy lưng ong giống nàng vương phi. Ngày nay, ngôi đền đã không còn dấu tích, nhưng truyền thuyết ấy vẫn có sức sống mãnh liệt trong trái tim nhiều người.
“Mỹ nhân ngư” sống ở độ sâu 40m – 50m nước. Chúng có phần đầu khá lớn, miệng giống mỏ quạ và bộ răng sắc nhọn như răng thỏ. Đây là loài cá cực kỳ hung dữ. Nó ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí tự ăn thịt đồng loại.
Để bắt được loài cá quý hiếm này, ngư dân phải thả nhiều tầng lưới đan xen với nhau. Nếu dính lưới, chúng sẽ vùng vẫy và nhanh chóng cắn nát lưới để trốn thoát. Tuy khó khăn là vậy, nhưng ngư dân vẫn thích thú và mong ngóng được gặp cá mặt thỏ bởi đó là “lộc” của biển khơi.
Cá mặt thỏ xuất hiện vào khoảng tháng 3 – tháng 4 và tháng 8 – tháng 9. Đây cũng là mùa sinh sản nên cá bớt vận động và thường kiếm ăn ở gần mặt nước. Khác với các loài thủy – hải sản khác, dù được ướp đông nhiều ngày nhưng thịt cá mặt thỏ vẫn săn chắc, không bị mềm rữa.
Để tận hưởng hương vị của một con cá lớn, các đại gia phải chi đến cả chục triệu đồng. Thế nhưng, chẳng có ai được thưởng thức trọn vẹn loại cá đặc biệt này. Ngay khi mới đánh bắt lên, cá mặt thỏ đã bị lột bỏ bộ da để làm nguyên liệu sản xuất nên những hoạt chất collagen tái tạo mô và chỉ tự tiêu y tế. Chính bởi vậy nên khi lên bàn tiệc, cá mặt thỏ luôn thiếu đi bộ da.
Vì cá mặt thỏ có hương vị đặc trưng nên khi chế biến không cần sử dụng quá nhiều gia vị. Ngư dân có thể nấu được các món ăn như lẩu, hấp, rang muối, nấu cháo,… nhưng phổ biến nhất vẫn là nướng mọi, không ướp gia vị.
Trái với cách chế biến, nước chấm cá lại được làm khá cầu kỳ. Đầu bếp phải chuẩn bị ớt sừng Đà Lạt luộc chín tái, hạt tiêu Phú Quốc, nước cốt chanh, bột canh, đường, mật ong… Tất cả trộn lẫn với nhau, chấm cùng miếng cá thơm lừng sẽ tạo nên một hương vị tuyệt vời. Đây quả thực là một trải nghiệm ẩm thực thú vị dành cho những người sành ăn.