"Dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Quốc phòng và theo đề nghị của đồng minh Ba Lan, tướng Wolters, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM), đã tái bố trí hai tổ hợp tên lửa Patriot đến Ba Lan", CNN dẫn lời đại úy Adam Miller, người phát ngôn EUCOM, cho biết ngày 8/3.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không được dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và các loại chiến đấu cơ tiên tiến.
Ông Miller nói thêm đây là bước đi thận trọng để bảo vệ các cam kết của Mỹ với Điều 5 của NATO, và sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào.
Điều 5 của NATO quy định về phản ứng tập thể của các nước thành viên. Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào một thành viên NATO đồng nghĩa với việc tấn công cả khối quân sự này.
Trước đó, Mỹ bác bỏ kế hoạch của Ba Lan về việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 đến căn cứ của Mỹ ở Đức - bước đi để số tiêm kích này được giao đến Ukraine theo lời kêu gọi từ Kyiv.
Binh sĩ Mỹ đứng cạnh hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Fortune. |
Lầu Năm Góc nhấn mạnh việc điều chiến đấu cơ từ các nước NATO đến không phận đang tranh chấp giữa Nga và Ukraine sẽ dấy lên lo ngại nghiêm trọng với các đồng minh NATO.
Tuyên bố này cho thấy chính phủ Ba Lan dường như không tham vấn Washington trước khi đưa ra thông báo.
NATO không muốn leo thang căng thẳng và xung đột trực tiếp với Nga. Liên minh này đã bác bỏ yêu cầu thiết lập vùng cấp bay tại Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/3 cảnh báo bất cứ quốc gia nào cung cấp sân bay cho không quân Ukraine với mục đích tấn công Nga sẽ được coi là một bên tham chiến.
Tác giả: Trần Hoàng
Nguồn tin: zingnews.vn