Giáo dục

Năm 2017: Nên bỏ thi tốt nghiệp!

“Quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng nên mạnh dạn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi tốt nghiệp, sẽ là hình thức xét tốt nghiệp. Việc này là nhiệm vụ của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố. Việc tuyển sinh đại học là việc của các trường đại học gắn với quyền tự chủ của các trường...”

Đó là quan điểm của GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại về đổi mới thi năm 2017.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?

GS Đinh Văn Sơn: Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như dư luận xã hội về những thành công của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Trên cơ sở khắc phục một số tồn tại của năm 2015, năm 2016 đã có một kỳ thi "Nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế".

Một trong những thành công nổi bật là không còn tình trạng thí sinh của một số tỉnh phải sang tỉnh khác dự thi như năm 2015. Điều đó đã góp phần giảm áp lực về tâm lý và sự vất vả của thí sinh cũng như chi phí của phụ huynh.

nam2017nenbothitotnghiep png
Một thí sinh đi thi cả nhà lo (ảnh Mai Châm)

Không nên tổ chức 2 loại cụm thi

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là phép thử để tiếp tục lộ trình đổi mới thi cử. Với kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh, ý kiến của ông về đổi mới kỳ thi tiếp theo như thế nào để nhẹ nhàng hơn?

Tiếp tục đổi mới theo tôi là hoàn toàn cần thiết. Bởi vì, phương án tổ chức như hiện nay mặc dù có những thành công nhất định, nhưng cũng chưa phải là hoàn toàn hợp lý và tối ưu. Vẫn còn nhiều việc cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Theo tôi, nếu năm 2017 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì không nên tổ chức theo hai loại cụm thi: Cụm thi cho các thí sinh có nhu cầu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học (do các trường đại học chủ trì) và cụm cho các thí sinh không có nhu cầu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học (do các tỉnh, thành phố chủ trì).

Các lý do đưa ra để tổ chức kỳ thi theo phương án này không thuyết phục. Tại sao trong cùng một kỳ thi với cùng đề thi, cùng đáp án chấm thi, cùng quy chế thi... chỉ khác người chủ trì mà "giá trị được thừa nhận" kết quả thi lại khác nhau. Phải chăng do tính khách quan, sự nghiêm túc của hai cụm thi này khác nhau.

Bởi vậy, theo tôi nếu năm 2017 còn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì mỗi tỉnh, thành phố nên chỉ có một hội đồng chung cho tất cả thi sinh. Mỗi quận, huyện, thị xã (sẽ có một điểm thi... Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học hay không, đó là do nhu cầu và cũng là quyền của thí sinh. Phương án này chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong một kỳ thi với hai mục tiêu.

Quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng nên mạnh dạn bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi tốt nghiệp, sẽ là hình thức xét tốt nghiệp. Việc này là nhiệm vụ của Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố. Việc tuyển sinh đại học là việc của các trường đại học gắn với quyền tự chủ của các trường.

Bỏ thi tốt nghiệp để giảm áp lực thi cử, tránh tốn kém cho xã hội

Tại sao ông đưa ra quan điểm bỏ thi tốt nghiệp?

Bỏ thi tốt nghiệp THPT theo tôi là hoàn toàn cần thiết và khả thi. Bởi vì:

Thứ nhất, xét tốt nghiệp là căn cứ vào cả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Về lý sẽ chính xác hơn, toàn diện và khoa học hơn. Tất nhiên việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải khách quan, công bằng. Chúng ta không nên lấy lý do vì những tồn tại trong giáo dục phổ thông để níu kéo một việc không cần thiết phải duy trì. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều quốc gia không tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, thực tiễn hiện nay với tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện cần để các thí sinh được dự thi, dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà thôi. Các trường tổ chức thi tuyển không quan tâm tới hạng bằng tốt nghiệp THPT của thí sinh.

Thứ ba, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì hằng năm chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội với số tiền hàng trăm, ngàn tỷ đồng như hiện nay (chi phí của chính phủ, của các trường đại học, của các địa phương, của phụ huynh học sinh...). Kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp 98%, 99% thậm chí 100% như thi tốt nghiệp hiện nay.

Thứ tư, bỏ thi tốt ngjiệp THPT sẽ góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm phong trào dạy thêm, học thêm, luyện thi... đang tràn lan như hiện nay.

2nam2017nenbothitotnghiep
GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại

Theo luật hiện hành thì việc tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường. Nhưng do hiện nay các trường chưa sẵn sàng nên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường sử dụng kết quả thi vào việc xét tuyển. Nếu các trường đã sẵn sàng thì việc tuyển sinh sẽ trao lại cho các trường chủ động. Ông nghĩ sao về việc này?

Dư luận xã hội như vậy là không đúng. Vì hiện nay Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Việc tổ chức thi tuyển hay xét tuyển là quyền quyết định của các trường.

Tôi được biết, trong thời gian tới, quan điểm của Bộ GD&ĐT là sẽ tiếp tục trao quyền rộng rãi hơn cho các trường đại học, cao đẳng, trong đó có tuyển sinh.

Ngay hiện tại, việc có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển hay không là quyền của các trường.

Nếu năm 2017 không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa, các trường sẽ phải tự mình xây dựng phương án tuyển sinh.

Khi đó việc phương án tuyển sinh của các trường sẽ rất đa dạng theo các hướng: Một số trường sẽ tổ chức thi tuyển (như trước kia); Một số tường tổ chức xét tuyển; Một số trường sẽ tổ chức xét tuyển kết hợp với thi tuyển một số môn học theo yêu cầu đào tạo của các ngành và chuyên ngành; Một số trường tổ chức tuyển sinh độc lập. Trong khi đó một số trường sẽ liên kết với nhau để giảm thiểu chi phí tuyển sinh.

Quan điểm của cá nhân tôi, trong thời gian tới tạm thời vẫn thiên về phương án “BA CHUNG” bởi các ưu điểm: Có thước đo chung để đánh giá chất lượng đầu vào của các trường đại học, cao đẳng. Việc xác định điểm SÀN tuyển sinh theo từng khối thi để xác định chuẩn tối thiểu đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khâu tuyển sinh.

Đây là một việc rất cần thiết, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trong công tác tuyển sinh. Góp phần ngăn chặn những tiêu cực trong công tác tuyển sinh khi được trao quyền tự chủ.

Tất nhiên, đó chỉ là quan điểm của cá nhân tôi.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP