Năng lực giáo viên kém, quản lý giáo dục lạc hậu

Lợi Trần
Tôi là người có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với giáo viên (GV) tiểu học nên từng nghe kể có nhiều HS lớp 3, thậm chí lớp 4, lớp 5 không biết đọc, viết là “bình thường”.


Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục VN chưa được như mong muốn.

Những HS học xong lớp 1, 2 mà chưa biết đọc, biết viết thì chúng ta cần tìm hiểu riêng những trường hợp cụ thể đó. Đối với những HS này, giáo dục cần phải có biện pháp tác động riêng. Ví dụ, đối với HS khuyết tật, GV phải có năng lực chuyên môn về giáo dục đặc biệt; đối với lớp HS dân tộc thiểu số, GV phải biết tiếng dân tộc đó...

Một lớp ở trường tiểu học hiện nay rất đông HS. Trong lớp, mỗi em lại có năng lực, trình độ khác nhau nên một GV khó bảo đảm được chất lượng cho tất cả HS. Trong lúc đó, trình độ và năng lực sư phạm của một bộ phận GV tiểu học hiện nay chưa tốt, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của chương trình giáo dục hiện hành, chưa phát triển được tư duy, trí thông minh, năng lực của HS...

Những hiện tượng như GV tiểu học không giải được hết các bài toán trong sách giáo khoa, rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì dạy và dạy như thế nào... không còn hiếm. Những yêu cầu đổi mới “lấy HS làm trung tâm”, “tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS”... chủ yếu nằm ở sự hô hào, hầu như mới được thể hiện bước đầu khi có cán bộ quản lý giáo dục dự giờ.

Cái cốt yếu của giáo dục không phải là dạy kiến thức, kỹ năng mà là phát triển tư duy, năng lực cho mỗi HS. Một GV với tư duy kém phát triển, năng lực sư phạm thấp thì sẽ không thể dạy cho HS trở nên thông minh!

Với những HS không theo kịp chương trình, GV cần phải bồi dưỡng, giúp đỡ để tiến bộ. Tuy nhiên, điều này “vướng” phải thực trạng quản lý giáo dục lạc hậu hiện nay.

Quản lý giáo dục quá chú trọng đến hồ sơ, sổ sách của GV, trong khi đó điều quan trọng nhất là kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của HS lại chưa được quan tâm đúng mức. Những hồ sơ, sổ sách chiếm quá nhiều thời gian hằng ngày của GV khiến họ không còn thời gian cho nghiên cứu bài vở, gây ức chế tâm lý nặng nề, làm hao mòn sức khỏe GV, gây hiệu ứng “đô mi nô” tiêu cực đến dạy học, giáo dục HS. Kiểu quản lý này khó có thể nhận biết được HS yếu kém, không theo kịp chương trình.

Có lẽ ít GV nào tự “khai ra” những HS yếu kém trong lớp để rồi bị trừ thi đua, thời gian hè phải kèm cặp, giúp đỡ những em này tiến bộ.

Bệnh thành tích còn quá nặng nề, trong khi kết quả và chất lượng giáo dục thực chất không kiểm soát được. Vẫn còn hiện tượng HS học trước những nội dung sẽ kiểm tra, thi, HS được GV làm ngơ để quay cóp, trao đổi bài, thậm chí GV “gà” bài cho HS... Căn bệnh này tạo ra một thứ đạo đức giả, đối phó từ GV đối với quản lý giáo dục, từ quản lý giáo dục cấp dưới đối với cấp trên. Nó còn “giết chết” những HS có kết quả học tập thấp do bị “lùa” lên lớp, không được lưu ban. Thậm chí, đã có những phụ huynh đề nghị nhà trường cho con mình lưu ban nhưng không được chấp nhận!

Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa quản lý giáo dục, GV và phụ huynh thì hiện tượng “ngồi nhầm lớp” nêu trên còn diễn ra dài dài.

Tác giả bài viết: PGS-TS Nguyễn Hữu Hợp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)