Giáo dục

"Náo loạn" trong học đường vì lỗi nhập nhèm, nhầm lẫn

Sự nhập nhèm, nhầm lẫn quan niệm giáo dục liệu là nguyên nhân khiến bi kịch liên tiếp xảy ra trong ngành “dạy làm người”? Nút thắt hóa giải nằm ở đâu?

Không thể khoanh tay đứng nhìn những chữ vàng trong nếp sống, nếp suy nghĩ của người Việt ngàn đời nay như: “Tôn sư trọng đạo”; “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… rơi vào hố đen tuyệt vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hành động.

Tại buổi làm việc với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học vào cuối tuần đầu tháng 4, vấn nạn học đường đã được mô tả bằng một từ rất kêu: ‘náo loạn’.

Vị Tư lệnh Giáo dục - Đào tạo có vẻ như không định né tránh những bi kịch đáng buồn của ngành mình phụ trách, một biểu hiện cầu thị mở ra cơ may tìm được chiếc chìa khóa giải quyết vấn nạn nói trên. Đương nhiên, vẫn cần thêm nhiều hành động thiết thực mà tiếc thay, điều này chưa được ghi nhận.

Trường hợp cô giáo quỳ vì bắt học sinh quỳ.


Từ góc nhìn của nhiều công dân luôn cố gắng tìm ra điểm tích cực, mặt tươi sáng hay niềm hi vọng, thì nhận định nói trên sẽ bị đánh giá là… rất lý thuyết suông!

Thông tin rành rành trên báo chí, các vị chuyên gia trong ngành giáo dục đã chỉ rõ, những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua gồm: sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường tới môi trường giáo dục; sự thiếu hụt trong đào tạo về chuẩn đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên sư phạm; và giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn; phụ huynh phó thác con cái cho nhà trường, khiến mối quan hệ hai bên lỏng lẻo.

Thoạt nghe thì rất xuôi tai. Nhiều người đinh ninh rằng, khi gót chân asin đã được tìm ra thì việc giải quyết vấn đề chỉ là… ngày một ngày hai. Mà xem ra, việc này cũng chẳng khó khăn gì.

Còn cách nào nâng cao năng lực giáo viên hiệu quả hơn ngoài cách giáo dục bồi dưỡng ở các trường sư phạm và trong quá trình giảng dạy, đúng như dự định của các vị trí thức ngành giáo dục?

Và đương nhiên, hệ lụy từ mặt trái của kinh tế thị trường có thể hạn chế bằng cách đề cao những giá trị đạo đức, điều cần thiết không chỉ trong lĩnh vực giáo dục.

Ai ai cũng phải sửa mình, hay như cách nói của các vị chuyên gia, mấu chốt là giáo dục gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình – nhà trường trong quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Và người dân chỉ cần kiên nhẫn đợi chờ.

Giá như đám mây màu hồng nhạt này dày thêm chút nữa, để che khuất hẳn câu hỏi không thể không được đặt ra: Những giải pháp nói trên có hữu dụng? Không thể tư duy theo chiều thẳng tắp: cứ có nhiệt tâm, nhiệt tình thì chắc chắn được đền đáp.

Nhiều hành động phản cảm của thầy cô, mà mới đây nhất là việc bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, chứng tỏ không có cơ hội tồn tại dù chỉ trong ý nghĩ học môn đạo đức sẽ tẩy sạch những vết ố trong ứng xử.

Những điểm 9, điểm 10 trong sổ học bạ không sánh bước cùng hành vi trong thực tế, và theo logic này, đào tạo thêm về ‘giáo đức’ khó có thể thay đổi điều gì, dạy học vẫn đầy tiềm năng trở thành ‘hành hạ học’.

Dẫu lạc quan nhất mà tin rằng, ngành sư phạm quyết cầm tay chỉ việc, định ra từng tình huống để đưa ra cách ứng xử mẫu mực, đời sống vốn thiên biến vạn hóa, cùng với nhận thức và tính cách ngày càng phức tạp của học sinh sẽ là rào cản chẳng thể vượt qua.

Bởi nếu bình tĩnh mà suy xét được thì đã chẳng nên chuyện. Lời giải phải là sự thay đổi từ bên trong, điều không đến cùng với việc ép học thật nhiều môn đạo đức hay giáo đức. Càng khó hơn khi nghề giáo ngày càng bị chính những người đứng trên bục giảng coi là ‘cần câu cơm’ hơn là một sứ mệnh với cuộc đời.

Từ phía các vị phụ huynh, mong họ đạt được cách ứng xử hài hòa những lúc ‘nước sôi lửa bỏng’ còn khó hơn gấp bội. Trước hết, nhiều con sâu làm rầu nồi canh khiến cho ấn tượng chung về nghề giáo đã khác xa ngày trước.

Những câu hỏi trần trụi kiểu: “Ai đáng để tôi tôn trọng?” không dễ tìm được câu trả lời thuyết phục, tương tự như việc yêu cầu các thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức.

Thắng thế hơn lại đang là quan điểm thịnh hành về cái gọi là dịch vụ giáo dục. Bằng cách trả tiền trực tiếp và gián tiếp (thông qua việc nộp thuế), nhiều bậc phụ huynh khả kính tin chắc như đinh đóng cột rằng, trong cuộc trao đổi giáo dục ấy, con em họ là “thượng đế”.

“Thượng đế” chưa ngoan, chưa giỏi thì mới phải đi học, không được phép nặng lời hay bắt phạt chúng khi chúng là người giúp các nhà giáo kiếm sống. Vậy là sẽ có chuyện phụ huynh hành hung thầy giáo, bắt cô giáo quỳ… những điều đã trở nên chuyện ‘không có gì lạ’.

Mặt trái của kinh tế thị trường sẽ được các trí thức mô phạm đưa ra như nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thế nhưng, điều này lại rất khó thuyết phục.

Bằng chứng rành rành, những nước có nền giáo dục tốt bậc nhất thế giới như Na Uy, Phần Lan hay Thụy Điển… đã, đang và vẫn vận hành nền kinh tế hiện đại theo cơ chế thị trường. Tại sao họ không phải đối diện với mặt trái như Việt Nam?

Tác giả: PV

Nguồn tin: Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP