Đó là quan điểm được ĐBQH Lê Quốc Phong (Bình Thuận) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cơ sở Hồ Chí Minh cho biết, tại phiên thảo luận tại tổ về việc sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, ngày 30/5.
Theo ông Phong, như kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiến bộ, giao việc phong hàm cho các trường là để mỗi cơ sở đào tạo tự nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của mình với việc sao để việc này tạo nên danh tiếng, uy tín cho nhà trường.
Thực hiện theo cách này cũng giúp giải quyết được những băn khoăn thể hiện trong xã hội vừa qua về việc “chạy” học hàm, hạ, nợ tiêu chuẩn GS, PGS.
Liên quan đến câu chuyện này, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng, Đảng ủy viên Đảng bộ trường Đại học Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nên khảo sát, công bố danh mục các trường đại học được công nhận văn bằng, tạo ra sự minh bạch, thuận lợi cho người học.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng nên chấm dứt việc các viện nghiên cứu đào tạo Tiến sĩ; giới hạn việc phong GS, PGS chỉ trong các trường đại học.
Đại biểu Lê Quốc Phong phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh Dân Trí |
“Đừng coi GS, PGS là danh vị gì to tát quá, đó chỉ là ngạch bậc trong giáo dục thôi”, đại biểu Phương nói.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Trần Quốc Toản – Hội đồng lý luận T.Ư cũng đồng tình, để việc công nhận học hàm GS, PGS diễn ra công khai, minh bạch, hội nhập, Nhà nước nên giao lại nhiệm vụ này cho các trường ĐH.
Đây cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia trong tình hình hiện nay, nhất là khi các cơ sở giáo dục ĐH đang được trao quyền tự chủ. Tất nhiên, không phải trường nào cũng được giao thực hiện trọng trách này, mà chỉ áp dụng đối với những đơn vị “bề thế”.
Hội đồng chức danh GS Nhà nước sẽ đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn làm mặt bằng chung, để các trường tùy theo tình hình, đặc thù của mình xây dựng quy chuẩn riêng. Đương nhiên, người được nhà trường phong chức danh GS, PGS chỉ có giá trị ở nơi họ công tác.
Để việc phong chức danh GS, PGS không lộn xộn, các trường phải có văn bản giải trình lên Chính phủ, nói rõ đang thiếu mấy GS, PGS ở khoa, ngành và lĩnh vực nào.
Khi được Chính phủ đồng ý, trường sẽ thành lập hội đồng khoa học bình chọn và công nhận. Nếu trong trường hợp không chọn được ai xứng nhưng trường rất cần GS, PGS thì có thể nhờ Bộ GD-ĐT điều động nhân sự.
Trong khi đó, cũng theo PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong xu thế tự chủ đại học, các trường đại học ở nước ngoài có quyền tự phong GS, PGS trong trường. Việc làm đó đừng nghĩ là mình thêm quyền thì mình thiếu trách nhiệm.
Ông Tớp nhấn mạnh rằng, càng nhiều quyền, trách nhiệm càng cao. Đặc biệt là khi các trường tự chủ thì việc phong hàm gắn liền quyền lợi, tên tuổi của trường đó. Hiện nay, trong tự chủ đại học, chưa có quy định về việc các trường có được tự phong hàm chức danh hay không.
Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần có thêm những sự bàn bạc để thống nhất về vấn đề này.
“Hiện nay, chúng ta vẫn có hội đồng chức danh nhà nước, nơi có thể ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình xét tuyển... Vì thế, cần có bàn bạc ở cấp cao về vấn đề này. Nếu nhà nước cho phép các trường tự chủ và trong đó có việc tự phong học hàm, học vị thì vẫn cần những tiêu chí chung”, ông Tớp nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì lại cho rằng việc giao cho các trường tự phong hàm GS, PGS cần chọn thời điểm thích hợp, chưa nên thực hiện ngay lúc này.
Bởi theo bà Hải, hiện nay hệ thống giáo dục đại học của nước ta chưa được phân cấp, phân tầng rõ ràng. Chất lượng chuyên môn, đào tạo cũng không đồng đều. Nếu cùng tồn tại song song hai chức danh GS, PGS do Nhà nước phong tặng và chức danh GS, PGS do các trường tự phong sẽ dẫn tới nhầm lẫn.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của các nhà khoa học chân chính.
Việc tự chủ phong hàm GS, PGS nếu xét theo ý nghĩa này thì phần nào đáp ứng được yêu cầu nhưng tôi vẫn khẳng định là chưa thể triển khai việc để các trường tự phong hàm GS, PGS vào thời điểm hiện tại khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.