Giáo dục

"Nên dùng phương án xét công nhận Tốt nghiệp Trung học Phổ thông"

Nên xét tuyển công nhận Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và chỉ cần tiến hành một kỳ thi Quốc gia là kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng.

LTS: Góp ý thêm cho kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, ThS. Nguyễn Đình Anh (Nguyên trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) đã gửi tới tòa soạn bài viết bày tỏ quan điểm nên dùng phương án xét công nhận Tốt nghiệp thay vì tổ chức kì thi để cấp bằng như hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!


Nên xét Tốt nghiệp mà không tổ chức Kỳ thi Quốc gia để cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông vì những căn cứ sau:

Thực tiễn, giáo dục Phổ thông trong hơn mười năm qua cho thấy với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và dưới sự quản lý, chỉ đạo của các Sở Giáo dục các nhà trường và các Phòng Giáo dục ở các huyện, thành phố, thị xã trong cả nước đã tiến hành tốt việc xét tốt nghiệp Tiểu học và tốt nghiệp Trung học Cơ sở cho học sinh.

Điều đó sẽ đưa đến những thuận lợi và bài học quý cho việc xét tốt nghiệp cho học sinh Trung học Phổ thông.

Những bài học có thể rút ra với sự quản lý của các Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục là tỷ lệ tốt nghiệp của các trường sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng dạy học của từng nhà trường.

7777
Một vài thí sinh vừa tham gia kì thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (Ảnh: tienphong.vn).

Các Sở và các Phòng Giáo dục không bao giờ để cho các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở yếu kém mà lại có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Tiểu học và tốt nghiệp Trung học Cơ sở cao hơn những trường có kết quả giáo dục tốt.

Việc kiểm tra để đánh giá kết quả học tập trình độ Trung học Phổ thông đã được diễn ra thường xuyên liên tục trong ba năm học ở trường Trung học Phổ thông qua các bài kiểm tra nhanh 15 phút, thi học kỳ, thi cuối năm.

Hơn nữa số học sinh được công nhận tốt nghiệp sẽ không lên tới 98%, 100% như khi thực hiện thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học trong hàng chục năm qua.

Vả lại ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xét Tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở đã thuận lòng dân rồi thì không thể không làm tốt việc xét công nhận Tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học Phổ thông.

Mặt khác, khi nói tới thi là phải nói đến sự chọn lựa mà trong hai kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng thì kỳ thi Đại học, Cao đẳng có tính chất chọn lựa cao hơn.

Chỉ khoảng 30% học sinh tốt nghiệp Phổ thông hàng năm đậu vào Đại học, vì vậy dành riêng một kỳ thi Quốc gia để tổ chức thi Đại học, Cao đẳng trong bối cảnh hiện nay phải là sự lựa chọn số một cho các cấp quản lý giáo dục (số lượng học sinh đăng ký dự thi Đại học, Cao đẳng sẽ có tỷ lệ ngày càng thấp).

Bởi tâm lý về lựa chọn nghề nghiệp của phụ huynh và học sinh đến thời điểm này đã có sự thay đổi lớn.

Nguyên nhân của sự thay đổi đó là do khi học xong Đại học người học khó tìm việc làm.

Đã qua rồi thời kỳ nhận thức của phụ huynh và học sinh là bằng mọi giá phải có được tấm bằng Đại học, đã qua rồi thời kỳ độc tôn của các trường Đại học trong nước, hiện đã có một bộ phận lớn học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ đi du học ở nước ngoài theo con đường tự túc kinh phí bởi chất lượng đào tạo của các trường Đại học trong nước chậm nâng cao.

Đó là chưa tính đến việc đã có một bộ phận học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở đã chuẩn bị điều kiện để xuất khẩu lao động.

Khi đã đồng thuận chỉ chọn một Kỳ thi Quốc gia dành cho việc thi tuyển sinh vào Đại học và Cao đẳng thì chúng ta nên tổ chức thi theo cách nào?

Theo tôi biết thì cho đến thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có một hội nghị để tổng kết kết quả của phương án thi Đại học, Cao đẳng theo phương thức “ba chung”.

Nhưng thi “ba chung” có những ưu điểm sau:

- Có cùng một mặt bằng chất lượng để chọn học sinh vào học Đại học, Cao đẳng.

- Giảm được lãng phí trong thi cử là chỉ một hội đồng ra đề thi chứ không cần tới ít ra là 500 hội đồng ra đề thi nếu để cho các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ ra đề thi.

- Tạo cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quản lý Nhà nước đối với các trường Đại học, Cao đẳng, hạn chế những tiêu cực do kỳ thi này đưa đến.

- Việc bố trí một số cụm thi tạo thuận lợi và tiết kiệm khá lớn kinh phí cho nhân dân khi tham gia kỳ thi Đại học, Cao đẳng.

Như vậy phương thức thi Đại học, Cao đẳng vẫn nên tiếp tục được duy trì và cần điều chỉnh, bổ sung thêm một số điểm sau:

- Cần có 4 mức điểm sàn: điểm sàn cho các trường Đại học, Cao đẳng công lập tốp trên; điểm sàn cho các trường Đại học, Cao đẳng công lập hạng khá; điểm sàn cho các trường Đại học, Cao đẳng công lập tốp trung bình và điểm sàn cho các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập.

- Các trường Đại học, Cao đẳng có thể tổ chức thi hoặc dựa vào kết quả thi Đại học, Cao đẳng của học sinh đã thi ở trường khác để xét tuyển.

- Các môn thi, khối thi cơ bản như phương thức thi “ba chung” đã thực hiện cách đây hai năm về trước. Các trường đào tạo các ngành nghệ thuật, kiến trúc được tổ chức thi thêm môn năng khiếu.

Ngoài ra không cho phép trường nào được tuyển theo phương thức riêng (căn cứ vào điểm học bạ của học sinh) để tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng. Có thể sẽ bổ sung vào mỗi khối thi (trừ khối D) thêm một môn thi là môn ngoại ngữ.

- Đã đến lúc phụ huynh và học sinh tự giác phân luồng sau Trung học Cơ sở thì số lượng học sinh tham gia thi Đại học, Cao đẳng sẽ không có số lượng lớn như những năm trước đây nữa.

Vậy nên, tổ chức các cụm thi Đại học, Cao đẳng như đã làm trong phương án “ba chung” trước đây (gồm các cụm thi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) không nên đặt nhiều cụm thi như hai năm vừa qua.

Vấn đề đặt ra là làm sao các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức thi nghiêm túc, bảo đảm được sự công bằng, giảm sự tốn kém về tài chính cho dân.

Thiết nghĩ nếu 40% học sinh có học lực khá, tốt có nguyện vọng vào Đại học, Cao đẳng có tốn kém cho một kỳ thi phải đi thi xa nhà một lần thì phụ huynh sẽ vui vẻ chấp nhận.

Với dự báo của chúng tôi: số học sinh có thực lực và nguyện vọng để thi vào Đại học ngay sau khi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông để thi ngay vào Đại học mỗi năm sẽ giảm hẳn.

Học sinh có thể chọn con đường vào Đại học theo một hướng đi khác so với cách chọn vào Đại học của số học sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông cách đây 5 năm về trước.

Các em có thể học nghề đi làm, sau khi có điều kiện về kinh tế và có nghề “cầm tay” rồi các em mới quay trở lại thi vào Đại học.

Khi thực hiện phương án xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và chỉ tổ chức một kỳ thi là thi Đại học thì cách thức tổ chức thi nên “ba chung” như trước đây.

Để thực hiện bỏ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chỉ tổ chức một kỳ thi là thi Đại học, Cao đẳng; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dũng cảm hy sinh những gì mà trước đây Bộ chưa dám hy sinh (bởi vì nếu tổ chức thi Đại học, bỏ thi Tốt nghiệp chuyển sang phương án xét Tốt nghiệp thì Bộ phải giảm hẳn nhân sự hoặc một số Vụ chức năng của Bộ, điều mà chưa Bộ trưởng nào có thể vượt qua được).

Thiết nghĩ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn phương án thi theo ý kiến trên đây của chúng tôi thì sẽ được nhân dân nói chung và ngành Giáo dục nói riêng hết sức đồng tình.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Đình Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP