Ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền

Admin
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những yếu kém trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền... chậm được ngăn chặn là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, sáng 7-5, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 7 (Hội nghị Trung ương 7). Chủ trì hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để trung ương tập trung thảo luận, xem xét, quyết định 3 đề án quan trọng gồm: Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ; đề án về cải cách chính sách tiền lương; đề án về cải cách chính sách BHXH.

Công tác cán bộ nhiều yếu kém

Nêu nội dung quan trọng đầu tiên - đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Tổng Bí thư nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ, đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi" - Tổng Bí thư chỉ rõ.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự hội nghị Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cho rằng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Do vậy, trung ương cần đánh giá khách quan, khoa học, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Từ đó, đi sâu thảo luận, tạo sự thống nhất cao những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá để xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

"Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?..." - Tổng Bí thư gợi mở.

Đột phá cải cách tiền lương

Đề án quan trọng thứ hai là về cải cách chính sách tiền lương. Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003.

Tuy nhiên, đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, phức tạp; thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp (DN), chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương. Trong khi đó, tiền lương trong các loại hình DN chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh...

Tổng Bí thư cho rằng đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên. Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết của trung ương; bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cân nhắc cải cách BHXH

Về đề án cải cách chính sách BHXH, Tổng Bí thư đề nghị trung ương bám sát vào đề án và tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực BHXH; chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ BHXH; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu...

Tổng Bí thư còn lưu ý việc cải cách chính sách BHXH phải chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, cần căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung đề án, tính đồng bộ với đề án về cải cách chính sách tiền lương để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH.