Tôi vẫn còn nhớ như in lời trăng trối cuối cùng của cha tôi cách nay vừa đúng 11 năm khi ông từ giã trần thế để về với tổ tiên ông bà và đồng đội. Khi tỉnh lại sau hơn một ngày hôn mê, lúc hơn 9 giờ sáng ngày 4/8/2011, ông nói "năm 16 tuổi tôi đã xung phong lên đường đánh giặc, khi ra đi không nghĩ đến ngày về, hai phần ba đồng đội hy sinh nằm lại chiến trường, tôi và những người còn sống đã may mắn hơn. Lần đi này tôi không về nữa, cứ coi tôi đi mà không về như hồi năm 1966, vui gì hơn khi sắp gặp lại các đồng đội của mình…".
Những năm cuối đời cha tôi thường kể về những kỷ niệm trong chiến trường như chuyện đường 9, chuyện Khe Sanh, A Lưới… Nhớ lại những trận đánh ác liệt, mắt ông luôn rưng rưng khi kể về sự hy sinh của đồng đội ngay sát bên mình, chuyện chôn cất đồng đội nơi rừng sâu, núi thẳm.
Trở về quê hương với thương tật trên mình, nhất là vĩnh viễn mất đi một bên mắt do nhiễm chất độc hóa học, ông và "những người may mắn hơn" thế hệ ông lại hòa mình vào cuộc sống, cùng chung tay xây dựng quê hương những năm sau chiến tranh. Họ nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước cho đến khi trút hơi thở cuối cùng và khi ra đi, họ cũng luôn mang trong mình tinh thần "vui vẻ như cày xong thửa ruộng" sau cuộc đời dấn thân cho cách mạng giải phóng quê hương.
Thế nhưng, cũng thế hệ ông, còn biết bao đồng đội đang còn nằm lại nơi rừng sâu, trên các vách đá, rẻo cao, cứ điểm … mà đến nay sau hơn 50 năm vẫn chưa tìm được hài cốt. Biết bao gia đình vẫn ngày đêm mong ngóng thông tin thân nhân của mình.
Cán bộ chiến sĩ Nhà máy Z113 về dâng hương tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tháng 7/2022 (Ảnh: Hữu Nghị) |
Thật bùi ngùi khi còn tới khoảng 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 liệt sỹ chưa xác định được thông tin trên bia mộ. Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt, nhất là công tác giám định GEN, ADN … đang như chạy đua trong nước rút để xác định danh tính liệt sỹ khi các mẫu sinh phẩm theo thời gian đang có nguy cơ hỏng hoặc làm giảm độ chính xác, dù khoa học công nghệ hiện đại đã và đang được ứng dụng ở trình độ cao nhất hiện nay. Bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận người có công, thân nhân liệt sỹ đang có hoàn cảnh, đời sống khó khăn thường xuyên cần đến sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.
Đến nay trên phạm vi cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ; trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; gần 800.000 thương binh, bệnh binh; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng… Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực … là một nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta.
Chiều 23/7 vừa qua, trong buổi gặp mặt với 75 đại diện người có công tiêu biểu toàn quốc, vui mừng với những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong công tác chăm sóc người có công; xúc động và cảm phục với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu người có công với cách mạng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: "Các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta".
Người đứng đầu Đảng ta cũng yêu cầu: "Tất cả chúng ta hãy luôn ghi nhớ và tâm niệm: Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân"
Thiết nghĩ, để thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, đồng thời thực hiện quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chính sách về công tác chăm sóc người có công, khơi dậy và bồi đắp những giá trị văn hóa lâu đời, lòng tự hào tự tôn dân tộc; giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các tiền bối để sống, chiến đấu, lao động và học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn đó.
Và quan trọng hơn, phải thực tâm coi công tác chăm lo cho người có công là "bổn phận" của mình như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Tác giả: Ông Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM. |
Nguồn tin: Báo Dân trí