Giải trí

Nghệ sĩ không quảng cáo sữa giả nhưng khuyên giả vẫn có thể bị xử phạt

Luật sư cho biết tùy theo mức độ vi phạm mà người có hành vi quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vụ quảng cáo sữa, Doãn Quốc Đam, BTV Quang Minh, Vân Hugo… lần lượt lên tiếng xin lỗi. MC Hoàng Linh đến thời điểm hiện tại vẫn giữ động thái im lặng.

Doãn Quốc Đam từng quảng cáo cho Cilonmum - sản phẩm nằm trong đường dây 573 nhãn hiệu sữa giả. Nhưng diễn viên cho biết đã đã kết thúc hợp đồng với nhãn hàng này ba năm trước.

Trong khi đó, BTV Quang Minh, Vân Hugo hay Quyền Linh đều cho biết nhãn sữa họ quảng cáo không thuộc đường dây sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

Theo luật sư, dù không quảng cáo sữa giả nhưng những lời “khuyên giả” (thổi phồng chất lượng, nói sai công dụng sản phẩm), nghệ sĩ, KOLs phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Quảng cáo sai sự thật bị phạt đến 80 triệu đồng

Vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo “nổ”, thổi phồng công dụng, thậm chí nói sai sự thật về sản phẩm, báo động trong nhiều năm qua. Song sau những lời xin lỗi khi bị phát hiện, các nghệ sĩ Việt chưa phải chịu mức xử phạt về hành chính hay trách nhiệm trước người tiêu dùng. Tính đến thời điểm này, Thùy Tiên là nghệ sĩ đầu tiên bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng, do quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera. Quyết định xử phạt nói trên do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) ban hành.

Theo ghi nhận, các hình thức quảng cáo của nghệ sĩ rất đa dạng. Ngoài quảng cáo trực tiếp cho thương hiệu, các nghệ sĩ còn “trá hình” bằng cách chia sẻ các bài đăng trên trang cá nhân, dưới dạng chia sẻ trải nghiệm bản thân về sản phẩm. Song phần lớn các nghệ sĩ không công khai cụ thể rằng đây là bài đăng quảng cáo và được nhận thù lao từ nhãn hàng. Đến khi xảy ra sự việc bị phát hiện rằng quảng cáo lố, sai sự thật, thổi phồng công dụng, các nghệ sĩ này đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang nhãn hàng. Họ chỉ lên tiếng xin lỗi và cho rằng thiếu cẩn trọng/ không đủ chuyên môn khi xem xét các giấy tờ kiểm định từ phía nhãn hàng cung cấp.

BTV Quang Minh quảng cáo cho nhiều hãng sữa trên kênh cá nhân.

Về vấn đề này, trao đổi với Tri Thức - Znews, luật sư Huỳnh Thanh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Luật Quảng cáo quy định rất rõ trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo.

Dẫn Khoản 1 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi bổ sung quy định hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về sản phẩm, dịch vụ, luật sư cho biết dù nghệ sĩ không nói rõ bản thân nhận tiền quảng cáo, nhưng nếu nội dung đăng tải có tính chất quảng bá, khuyến khích sử dụng sản phẩm, vẫn bị coi là quảng cáo. Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng không phân biệt nghệ sĩ có nhận tiền hay không, mà căn cứ vào hành vi quảng cáo sai sự thật.

Ngoài ra, Điều 22 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 quy định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng: chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua nghệ sĩ, KOLs, những người có ảnh hưởng này có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm.

Do đó, nghệ sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung mình đăng tải, không thể thoái thác bằng lý do cá nhân.

Theo luật sư, tùy theo mức độ vi phạm mà người có hành vi quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Cụ thể, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ), bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân quảng cáo gian dối đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Luật sư Huỳnh Thanh Tâm thông tin thêm việc các nghệ sĩ cho rằng họ thiếu chuyên môn để xác minh các tuyên bố về sản phẩm, hay việc công bố, quảng cáo đều dựa trên các giấy tờ kiểm chứng về sản phẩm do nhãn hàng cung cấp là chưa thuyết phục và không phù hợp quy định của pháp luật về quảng cáo cũng như trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật có liên quan đến quảng cáo.

Hợp đồng quảng cáo đã hết hạn, có bị xử phạt?

Trở lại với vụ ồn ào nghệ sĩ quảng cáo sữa thời gian gần đây, Doãn Quốc Đam nói việc hợp tác với nhãn hàng sữa Cilonmum - sản phẩm nằm trong đường dây 573 nhãn hiệu sữa giả - đã diễn ra ba năm trước. Tương tự, Quyền Linh cũng lên tiếng cho rằng hai sản phẩm sữa mà anh từng quảng cáo không thuộc đường dây sữa giả. Thương hiệu sữa này có giấy tờ đầy đủ và nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, hợp đồng quảng bá giữa hai bên đã kết thúc từ 2022.

Tương tự, Vân Hugo cũng quảng cáo cho hãng sữa HIUP từ năm 2022 đến đầu năm nay. HIUP là sản phẩm từng bị phạt do vi phạm quảng cáo vào tháng 3/2024.

Doãn Quốc Đam cho biết việc hợp tác với nhãn hàng sữa Cilonmum đã diễn ra ba năm trước.

Về câu hỏi nghệ sĩ đã kết thúc hợp đồng quảng cáo từ lâu, nhưng sản phẩm sau đó bị phát hiện là hàng giả, liệu nghệ sĩ có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, luật sư Lê Kim Xuyến (Công ty luật Trần Bá Học) cho biết theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, cá nhân tham gia quảng cáo sản phẩm vi phạm (hàng giả, sai sự thật) vẫn có thể bị xử phạt hành chính, miễn là hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm.

Nếu thuộc trường hợp vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo là 1 năm, về hàng giả là 2 năm kể từ ngày kết thúc hành vi vi phạm (nếu hành vi vi phạm đã kết thúc) hoặc kể từ ngày phát hiện hành vi (nếu hành vi vi phạm đang diễn ra). Nếu hết thời hiệu thì không bị xử phạt vi phạm hành chính nữa, nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc cải chính thông tin, thu hồi sản phẩm quảng cáo vi phạm.

Cũng theo luật sư Lê Kim Xuyến, để đảm bảo an toàn pháp lý và bảo vệ danh tiếng của mình khi quảng cáo, người nổi tiếng cần phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo: Kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; Cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo khi người tiếp nhận quảng cáo hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Ngoài ra, nghệ sĩ, KOLs phải thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình, yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.

Tác giả: An Anh

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP