Chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: TL |
Mang lại cơ hội, lợi ích cho người trồng chuối và xuất khẩu chuối
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa diễn ra từ ngày 30/10 đến 1/11/2022, có 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương của hai nước ký kết.
Trong số đó, có Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Diện tích trồng chuối cả nước năm 2019 là gần 129.550 ha; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long gần 35.300 ha với sản lượng 478.877 tấn. Khối lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thực hiện kiểm dịch thực vật trên 430.000 tấn (năm 2020), 574.000 tấn (năm 2021) và 591.000 tấn (9 tháng năm 2022). Trung bình, giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5-0,6 USD/kg. Đặc biệt hơn, giá của một số đơn hàng chuối xiêm tươi có thể lên đến 4 - 4,3 USD/kg và vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không. |
Về việc ký kết nghị định thư liên quan đến xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, nghị định thư sẽ mang lại cơ hội, lợi ích cho người trồng chuối và xuất khẩu chuối của Việt Nam. Nghị định thư sẽ đảm bảo việc xuất khẩu chuối chính thức, ổn định bền vững; đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người trồng chuối.
Thực hiện tốt nội dung của nghị định thư sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, giúp thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu. Từ đó, góp phần giảm ùn ứ nông sản ở cửa khẩu nói chung cũng như sản phẩm chuối nói riêng. Ngoài ra, việc xuất khẩu chuối chính ngạch sẽ đảm bảo uy tín cho sản phẩm chuối của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Về lâu dài sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người trồng chuối với nhau, giữa người trồng chuối và nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Rủi ro thị trường sẽ được giảm thiểu khi sản xuất đáp ứng tốt các chuẩn mực thị trường.
Thị trường Trung Quốc ưa chuộng sản phẩm chuối của Việt Nam. Ảnh: TL |
Nhiều điểm mới từ nghị định thư
Nghị định thư được ký kết đã có một số điểm mới như tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt; vườn trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình tại cơ sở đóng gói.
Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Lô chuối không nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.
Ngoài ra, chuối xuất khẩu phải là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa. Thêm vào đó, ngoài đáp ứng nội dung trong nghị định thư này, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu khác (như tiêu chuẩn sức khỏe con người, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc...
Để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu mặt hàng này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông dân cần thực hiện cải thiện quy mô tạo liên kết giữa các hộ trồng chuối; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo quản lý sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm không nhiễm trên chuối xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người trồng chuối thực hiện theo quy định tại nghị định thư đảm bảo xuất khẩu chuối ổn định, hướng dẫn người nông dân trồng chuối áp dụng GAP...
Xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chuối quan trọng của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,45 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu quả chuối và sầu riêng có trị giá tăng mạnh trong 8 tháng năm 2022 và chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu của việc xuất khẩu chuối tăng mạnh là biến động từ nguồn cung chuối nội địa Trung Quốc. Các chính sách về đất thuê nông nghiệp và chi phí lao động tăng khiến diện tích trồng chuối giảm. Dịch bệnh Panama cũng khiến chất lượng chuối nội địa giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhập khẩu chuối Việt Nam. |
Tác giả: Nam Khánh
Nguồn tin: thoibaotaichinhvietnam.vn