Ngổn ngang di sản công tác cán bộ thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư Thành uỷ

Admin
Trong khi tìm hiểu lĩnh vực môi trường trong thời gian qua tại công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng,… PV sức khỏe & Môi trường tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc bổ nhiệm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn của công ty này.

Bổ nhiệm nhiều giám đốc doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn

Từ năm 2017 đến nay, báo chí, công luận nhiều lần phản ánh việc Thành uỷ Hải Phòng có khuyết điểm trong bổ nhiệm 4 lãnh đạo doanh nghiệp:

Nổi lên phải kể đến việc bổ nhiệm ba ông Lê Trung Kiên - Uỷ viên Thành uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc công ty Xây dựng Bạch Đằng, đại biểu HĐND TP Hải Phòng khoá XV (nhiệm kỳ 2016-2021) - được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng; ông Đào Trọng Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng - được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng; và ông Hoàng Triệu Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng - được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hải Phòng.

Mặc dù nhiều lần Ban thường vụ Thành uỷ Hải Phòng khẳng định đã căn cứ các quy định của Trung ương và Thành uỷ, xem xét kỹ về yêu cầu công tác cán bộ, 3 cán bộ đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định hiện hành và tại các hội nghị, Ban thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã thảo luận, quyết định về nhân sự theo quy chế, 3 cán bộ trên đều được 100% số Uỷ viên thường vụ Thành uỷ bỏ phiếu đồng ý bổ nhiệm vào các chức vụ như trên.

Vậy nhưng ngày 27-2-2017, Bộ Nội vụ đã có công văn số 994/BNV-CCVC khẳng định việc bổ nhiệm các trường hợp trên là trái quy định, vì theo văn bản của Bộ Nội vụ, quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý công chức thì trường hợp chuyển từ DN nhà nước sang làm công chức trong cơ quan Nhà nước phải thực hiện quy trình tuyển dụng công chức. Công văn của Bộ Nội vụ còn yêu cầu phải thu hồi quyết định đối với các trường hợp không đủ tiêu chuẩn.

Thế nhưng, sau đó, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng cũng chỉ họp, chỉ đạo, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Nội vụ và chỉ đạo sở Nội vụ “nghiêm túc kiểm điểm”.

Để xảy ra sai phạm đó, có vẻ như Thành uỷ Hải Phòng không có khuyết điểm gì khi ông Cao Xuân Liên, lúc đó là Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ Hải Phòng tuyên bố với báo chí việc bổ nhiệm là không sai. Theo ông Liên, trên thực tế đã có rất nhiều lãnh đạo thành phố Hải Phòng từ doanh nghiệp (trong đó có cả đồng chí Bí thư Thành uỷ Hải Phòng – PV) được bổ nhiệm sang giữ các vai trò lãnh đạo của thành phố. Theo ông Cao Xuân Liên, việc bố trí cán bộ là do Ban thường vụ Thành uỷ Hải Phòng quyết định.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã có công văn khẳng định việc bổ nhiệm trường hợp ông Đào Trọng Đức từ Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hải Phòng giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng là trái quy định. Điều này khiến dư luận nghi ngờ phải chăng có một sự ưu ái nào đó khi ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng nguyên là lãnh đạo Vicem Hải Phòng.

Bổ nhiệm cả người bị kỷ luật giáng chức

Thêm một trường hợp gây nhức nhối dư luận khác là việc ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng từ cuối năm 2014 dù trong thời gian điều hành doanh nghiệp, ông Vũ Đình Duy đã gây ra thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng nhưng vẫn được lãnh đạo thành phố Hải Phòng chấp thuận.

Thế mà gần đây, ông Phạm Hồng Hà – Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Đến thời điểm này, cả 3 cán bộ đã được bổ sung hoàn chỉnh những thiếu sót trong việc thể chế hóa quyết định của UBND TP về việc bổ nhiệm 3 cán bộ vào 3 vị trí nêu trên”.

Mãi đến 8-3-2018 vừa qua, TP Hải Phòng mới lên tiếng chính thức về sự việc, cho biết, ngày 15/9/2014, Bộ Công Thương có Văn bản số 9006 đề nghị TP Hải Phòng xem xét, tạo điều kiện tiếp nhận ông Vũ Đình Duy để Bộ Công thương thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ. Ngày 10/10/2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp thống nhất bỏ phiếu 100% đồng ý tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng.

Tuy nhiên, thành uỷ Hải Phòng vẫn cho rằng, đã thực hiện đúng các quy định, lỗi chỉ do Sở Nội vụ có khuyết điểm chưa tham mưu cho UBND TP xin ý kiến Bộ Nội vụ về việc thống nhất tiếp nhận công chức không qua thi tuyển...

Những báo cáo quan liêu, vô trách nhiệm

Ý kiến trên quả là một báo cáo quan liêu, vô trách nhiệm, trái ngược với nguyên tắc công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Cấp uỷ Đảng không thể là một cái máy chỉ tiếp nhận và giải quyết “automatic” mà đương nhiên Bí thư Thành uỷ và mọi thành uỷ viên phải biết các nguyên tắc, với một cán bộ điều hành một doanh nghiệp thua lỗ, bị giáng chức từ tháng 2-2014 thì đến tháng 12-2014 chưa hết hạn kỷ luật, chưa thể bổ nhiệm bất cứ vị trí gì.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có quy định về điều kiện bổ nhiệm là “không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ khiển trách đến cách chức”. Ông Duy bị kỷ luật giáng chức từ tháng 2/2014, tính đến thời gian bổ nhiệm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng vào tháng 12/2014, cho thấy Thành uỷ Hải Phòng đã bất chấp, coi thường nguyên tắc và kỷ luật Đảng. Đó là chưa kể, Sở Công Thương đã đủ Phó giám đốc vẫn bổ nhiệm là hết sức tuỳ tiện.

Nhiều vụ việc bổ nhiệm con em, người nhà làm lãnh đạo “bùng phát”

Cách đây chưa lâu, dư luận từng bức xúc việc ông Đỗ Trọng Đạt, khi là Giám đốc Sở Xây dựng ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm cho con trai mình là ông Đỗ Trọng Thành, lúc đó đang là công chức của Sở Tài chính, về giữ chức Phó trưởng Phòng Quản lý hoạt động xây dựng của Sở Xây dựng Hải Phòng. Sau khi công luận lên tiếng, Sở Nội vụ cho biết việc bổ nhiệm là sai nhưng lại không đề xuất thu hồi quyết định bổ nhiệm dù ông Đỗ Trọng Thành không đủ tiêu chuẩn vì chưa qua trung cấp lý luận chính trị. Dư luận cho rằng để xảy ra sự việc và xử lý không kiên quyết có sự bao che của Thành uỷ. Nếu không có sự đồng ý của lãnh đạo Thành uỷ, liệu ông Giám đốc Sở Xây dựng có thể tiếp nhận và điều động con mình từ Sở Tài chính về rồi bổ nhiệm không? Lẽ ra sự việc này cần phải được thanh tra, làm rõ, kiểm điểm những cá nhân, tập thể liên quan nhưng ông Lê Văn Thành cũng lại lặng lẽ cho qua sự việc.

Dưới thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư, công luận còn bức xúc với vụ việc "cả nhà làm quan" ở huyện An Dương. Vụ việc gây nhức nhối dư luận nhưng quá trình xác minh, xử lý phải kéo dài đến hơn một năm với rất nhiều lập luận nguỵ biện trên báo chí. Phải đến gần đây, sự việc mới được làm sáng tỏ và Bí thư huyện uỷ An Dương cùng 3 cán bộ khác cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Cùng với đó, 2 trong 6 người trong gia đình “cả nhà làm quan” đã được điều chuyển sang vị trí khác.

Việc xử lý trên dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành được dư luận đồng tình nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn không ít trường hợp khác chưa được làm rõ, xử lý kịp thời. Trong đó có một trường hợp dư luận cho rằng có một cán bộ trẻ được thăng tiến “thần tốc” chỉ trong hơn một năm gần đây...

Không thể để tồn tại “tham nhũng quyền lực”

Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương thì việc làm của ông giám đốc bổ nhiệm con trai rõ ràng là hành vi “tham nhũng quyền lực”. Không thể để tình trạng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” làm mất niềm tin trong nhân dân.

Những sự việc bộn bề sai phạm trong công tác cán bộ ở Hải Phòng thời gian qua mà chúng tôi điểm lại trong bài viết này mới chỉ nêu một phần những vụ việc báo chí đã phản ánh, còn khá nhiều vụ việc khác cũng đã và đang gây ra nhiều dư luận xấu.

Phải chăng việc bổ nhiệm “thần tốc” này có nói nên được năng lực quản lý của các lãnh đạo hay gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của những người dân đang sinh sống tại nơi đây. Qua phản ánh của bạn đọc, rất mong Thành uỷ Hải Phòng cũng như các cơ quan Trung ương sớm vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc trên để mang lại cho người dân có cuộc sống ổn định, môi trường trong sạch hơn để luôn đảm bảo sức khỏe để có cuộc sống ấm no.