Người đàn ông xứ Nghệ và hành trình giải cứu 100 người dân ở rốn lũ Thái Nguyên

Thành Trịnh
Khi bão số 3 gây ra lũ lịch sử tại miền Bắc, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1984) từ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và cùng những người bạn đã dũng cảm lên đường cứu trợ, bất chấp mọi hiểm nguy.

Đêm 9/9, khi hầu hết mọi người đang chìm trong giấc ngủ, nhiều nơi ở miền Bắc đang ngập trong nước lũ cũng là lúc, đoàn cứu trợ của anh Thanh, với 3 người, trong đó có 1 người bạn đồng hương huyện Nghi Lộc, một người bạn từ Hà Tĩnh sang, đã rời thị trấn Quán Hành từ lúc 3h sáng.

Họ không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ kịp chuẩn bị những gì cần thiết nhất rồi lên đường ngay lập tức.

“Thiết nghĩ, bà con miền Trung trong bao nhiêu năm qua, mỗi khi gặp khó khăn, bà con miền Bắc không ngần ngại đến bên chúng ta bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Bây giờ, bà con miền Bắc đang rất cần chúng ta. Hãy cùng đồng hành với Dũng Nguyễn Quân (tên Facebook của anh Nguyễn Văn Thanh) nhé cả nhà! Nếu bạn muốn hỗ trợ, xin hãy liên hệ để chúng tôi có thể tiếp nhận và gửi đến bà con. Còn bây giờ, chúng tôi sẽ lập tức lên đường vì đồng bào miền Bắc”, anh Thanh chia sẻ trên trang cá nhân.

Anh Nguyễn Văn Thanh chuẩn bị cho chuyến đi hỗ trợ lũ lụt tại miền Bắc

Khi đặt chân đến TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) – một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 3, anh Thanh và những người bạn đã không ngần ngại lao vào rốn lũ để giải cứu những người dân mắc kẹt.

Khi phóng viên Đời sống và Pháp luật hỏi về phản ứng của người dân miền Bắc trong lúc họ đối mặt với lũ lụt, anh Thanh chia sẻ: "Đối với họ, mỗi giây phút đều quý giá, mỗi người dân được đưa lên thuyền an toàn là một niềm vui lớn. Người dân ở đây rất bất ngờ khi biết chúng tôi từ miền Trung đến giúp. Họ không quen với cảnh lũ lụt như ở quê tôi, nên nỗi lo sợ hiện rõ trong ánh mắt. Nhưng khi được chúng tôi đưa lên thuyền, những nụ cười và lời cảm ơn chân thành đã khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến đi".

Chỉ trong vài giờ có mặt tại TP Thái Nguyên, nhờ sự quyết tâm không ngừng nghỉ, nhóm của anh đã cứu giúp gần 100 người dân, đưa họ ra khỏi vùng nguy hiểm khi nước lũ dâng cao. Khi mọi thứ ở thành phố tạm ổn, 3 người đàn ông xứ Nghệ tiếp tục đi đến những nơi lũ nghiêm trọng để cứu trợ.

Nhóm thực hiện việc cứu trợ cho người dân tại TP Thái Nguyên

"Chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển lên những vùng cao hơn, nơi khó khăn và nguy hiểm hơn, nhưng đồng bào đang cần thì mình không thể dừng lại. Nhiều người đã gửi gắm tiền bạc và nhu yếu phẩm thông qua nhóm, và tôi muốn dành toàn bộ số đó để mang đến cho những nơi cần thiết nhất, những vùng bị cô lập, cách trở," anh Thanh nói tiếp.

Đây không phải lần đầu tiên anh Thanh tham gia cứu trợ. Trước đó, anh đã nhiều lần lặn lội hỗ trợ đồng bào vùng lũ miền Trung. Không chỉ dừng lại ở những lần cứu trợ tức thời, anh còn đang hỗ trợ và chăm sóc ba đứa trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh mà anh đã xem như con cái ruột thịt của mình.

Theo anh Thanh, làm thiện nguyện không chỉ là giúp đỡ, mà còn là cống hiến. Đôi khi phải đối diện với những khó khăn, áp lực, nhưng chỉ cần nhìn thấy những nụ cười của 3 đứa trẻ mồ côi mà anh đang chăm sóc, hay những giọt nước mắt cảm ơn của người dân vừa được cứu, thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Người đàn ông này đã cảm nhận được giá trị thật sự của cuộc sống và muốn cống hiến nhiều hơn nữa.

Hành trình cứu trợ của nhóm sẽ còn tiếp tục ở những vùng khó khăn hơn tại miền Bắc

Không chỉ có đoàn cứu trợ tiên phong của anh Nguyễn Văn Thanh, mà tinh thần tương thân tương ái đã lan tỏa mạnh mẽ trên khắp đất nước. Đến thời điểm hiện tại, đã có không ít cá nhân, tổ chức cũng đã chung tay hướng về miền Bắc, nơi đang phải gồng mình chống chọi với thiên tai lũ lụt do bão số 3.

Sáng 10/9, 100 thanh niên tình nguyện từ Nghệ An đã có mặt tại Hải Phòng để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão. Đội hình tình nguyện, do Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Linh dẫn đầu, ngay lập tức bắt tay vào các công việc khẩn trương như dọn dẹp, phát quang và vệ sinh các khu vực bị tàn phá nặng nề.

Tính đến 13h ngày 10/9, mưa bão, lũ đã làm 82 người chết và 64 người mất tích; gần 800 người bị thương; thiệt hại vô cùng nặng nề về kinh tế, nhiều địa phương đang bị cô lập do lũ dâng cao.

Cụ thể, tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 19 người chết, 36 người mất tích. Tỉnh Lào Cai có 19 người chết, 11 người mất tích, gồm: Bát Xát 10 người, Sa Pa 8 người, Bắc Hà 6 người, Si Ma Cai 4 người, Văn Bàn 2 người.

Tỉnh Yên Bái có 22 người chết, 6 người mất tích do sạt lở đất, gồm: Lục Yên 13 người, TP Yên Bái 14 người, Văn Chấn 1 người.

Tỉnh Quảng Ninh 9 người chết do bão và lũ. TP Hải Phòng 2 người chết do bão; Hải Dương 1 người chết do bão; Hà Nội 1 người chết do bão. Hòa Bình 4 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang 2 người mất tích do lũ cuốn. Hà Giang 1 người chết và 1 người mất tích. Lai Châu 1 người chết do sạt lở đất. Phú Thọ có 8 người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu.

Về số người bị thương lên tới gần 800 người, trong đó nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ninh với 536 người, Hải Phòng 81 người, Hà Nội 10 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 14 người, Yên Bái 10 người, Cao Bằng 12 người…