Người Thái xếp hàng ăn bánh mì, nem nướng Việt

Admin
Tại Tuần hàng Việt ở Thái Lan, các gian hàng bánh mì, phở, nem nướng… thu hút rất nhiều thực khách Thái xếp hàng để thưởng thức.

Sáng 18/8, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan chính thức khai mạc. Tập đoàn Central Group tổ chức cho hơn 40 nhà sản xuất Việt Nam tham quan hệ thống và các mô hình bán lẻ hiện đại của Central Group tại Thái Lan; trưng bày và giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng địa phương. Doanh nghiệp Việt Nam được gặp gỡ bộ phận thu mua của hệ thống cửa hàng bán lẻ Central Group tại Thái Lan để quảng bá hàng Việt.

Người Thái đã hài lòng hàng Việt

Con đường hàng Việt vào Thái Lan thông qua kênh phân phối của Central Group là cơ hội lớn để hàng Việt khẳng định thương hiệu. Bởi điểm yếu nhất của hàng Việt khi ra thế giới vẫn là khả năng duy trì được thương hiệu tại thị trường xuất hàng. Hiện tại dù hàng Việt được yêu thích tại Thái nhưng để vào được vẫn phải vượt qua nhiều rào cản về thủ tục.

Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Trader, cho biết: “Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được nhiều thành viên hiệp hội quan tâm và có kế hoạch nhập về bán tại thị trường Thái Lan. Người dân Thái cũng thích các sản phẩm Việt Nam, nên cơ hội cho hàng Việt xâm nhập thị trường Thái Lan rất sáng nếu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý”.

 Bánh mì là món ăn Việt Nam rất được người Thái ưa chuộng. Ảnh: Ái Duyên.

Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan nằm trong đề án hỗ trợ hàng Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài của Chính phủ. Bộ Công Thương tin tưởng đề án này sẽ thành công vì mang lại lợi cho cả hai bên.

Đối với những nhà sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam, đây là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đơn hàng lớn. Hàng hóa việt Nam có thể học hỏi được quy trình quản trị chất lượng để đi vào tất cả các thị trường trên thế giới mà Thái Lan đang làm.

Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, cho rằng từ việc được lòng đến chinh phục là một hành trình dài khó khăn. Đó là lý do để hàng Việt đổi mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng tại Thái Lan. Quan trọng là việc xuất hàng qua kênh bán lẻ sẽ tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng để điều chỉnh phù hợp nhất là khâu thiết kế sản phẩm một cách thẩm mỹ.

“Rất nhiều thất bại của hàng Việt Nam do bán qua đại lý mà không tương tác trực tiếp với khách hàng bản địa, để hiểu rõ thị hiếu của họ. Ngay cả vấn đề thương hiệu hầu như không phát triển được khi bán hàng dựa trên đại lý rất nhiều đó là một thiệt thòi lớn”, ông Hải nhận định

Ông Hải cũng tiết lộ ở lần kết nối năm ngoái, Công ty Điện Quang đã có nhiều sản phẩm thu hút người tiêu dùng Thái Lan nhưng vẫn chưa thể duy trì được thương mại tại đây.

Nguyên nhân là các khâu kiểm soát của Thái Lan rất khó khăn, cũng như thiết kế bao bì vẫn chưa phù hợp. Như vậy từ sự hài lòng ban đầu cho tới duy trì kết quả lâu dài vẫn là một vấn đề lớn.

"Người Việt và người Thái đang khen hàng của nhau"

Hàng Việt “đâm đầu” vào Thái Lan không phức tạp như nhiều doanh nghiệp nghĩ. Ở các gian hàng bánh mì, phở, nem nướng… được bày bán tại tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan có rất nhiều thực khách Thái xếp hàng để thưởng thức. Có lẽ những mặt hàng thực phẩm Việt đang có sức hút nhất định với khách hàng Thái.

Theo các doanh nghiệp mang hàng Việt sang Thái Lan quảng bá, vì hai nước có khá nhiều điểm tương đồng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Thái Lan trước tiên phải giải quyết được bài toán “chất lượng – giá cả - độ nhận diện”. Kế đến mới tính đến các yếu tố khác như văn hóa và phong cách sống của người Thái… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần kiên nhẫn hơn nếu muốn tham gia vào thị trường này.

 Sản phẩm của Điện Quang được người Thái yêu thích nhưng vẫn chưa thể vào được thị trường này. Ảnh: Ái Duyên.

Ông Nguyễn Xuân Tôn, Giám đốc cà phê Long Triều (Đà Lạt), cho biết đây là đầu tiên tham gia một hoạt động xúc tiến thị trường ở Thái Lan.

"Rất nhiều khách du lịch Thái khi sang Việt Nam đã ghé các cửa hàng của chúng tôi mua cà phê đem về. Vì vậy, chúng tôi quyết định mở rộng thị trường ở đây. Tôi tự tin về sản phẩm nhưng vẫn phải dò xét thị hiếu và cách người Thái định vị thương hiệu với người tiêu dùng ra sao, để triển khai tiếp chứ không vội vã", ông Tôn cho biết.

Thực tế, ở lần kết nối năm ngoái với hơn 50 doanh nghiệp tham gia nhưng chỉ một doanh nghiệp tìm được đối tác cung ứng hàng tại Thái Lan. Con số này cho thấy, hàng Việt đã kích thích người Thái về sự độc đáo nhưng khoảng cách từ kích thích đến ưa chuộng vẫn còn rất dài.

Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc doanh nghiệp lụa Hanhsilk, cho biết từ trước đến nay doanh nghiệp cung ứng nguồn nguyên liệu thô rất lớn cho các công ty Thái Lan, nhưng việc mang sản phẩm bán lẻ tại thị trường này thì chưa có.

Sau 3 năm đưa hàng vào thị trường này, bà Hạnh vẫn chấp nhận một điều rằng, khâu quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể sánh bằng Thái Lan. Cần phải học hỏi nhiều về hình thức, bao bì cũng như các làm thương hiệu mới có chỗ đứng tại thị trường này.

Đại diện gốm sứ Minh Long 1 chia sẻ trong lần tham gia này doanh nghiệp sẽ tập trung ghi nhận ý kiến, thị hiếu của khách hàng về sản phẩm, để chọn “gu” phù hợp khi đưa hàng vào thị trường Thái. Minh Long thừa nhận hàng tiêu dùng Thái Lan luôn là đối thủ đáng gờm trong khu vực, nên việc tồn tại được ở đây đòi hỏi phải kiên nhẫn và học hỏi rất nhiều.

Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch Central Group Việt Nam, một số doanh nghiệp tham gia đã có kinh nghiệm xuất khẩu trước đây nhưng chưa thâm nhập thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, thông qua các cuộc kết nối trực tiếp, danh nghiệp có thể giảm bớt những khâu trung gian, tiết kiệm chi phí và thời gian, được tiếp xúc trực tiếp với bộ phận thu mua, nhằm đáp ứng nhu cầu hiệu quả và kịp thời nhất.

"Chuyện cả người Thái lẫn người Việt đều khen hàng của nhau, có thể đã đến lúc các doanh nghiệp hai nước cùng tìm ra được cách thức tốt nhất để khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm và thị trường của nhau", bà Linh nói.