Vượt 340 km chở cháo ra biên giới
Thấy nhiệt độ về đêm tại cửa khẩu Zosin-ustyluh, Ba Lan ngày một lạnh, anh Trần Văn Sơn lục tục kéo chiếc đèn sưởi gas ra cắm sẵn để chờ những người tị nạn từ Ukraine sang. Nhiều phụ nữ, trẻ em khi đi qua khu vực cửa khẩu, vừa nhìn thấy chiếc đèn sưởi đã vội dừng lại.
Trên chặng đường tháo chạy khỏi các điểm nóng quân sự ở Ukraine, người tị nạn không thể mang theo quá nhiều áo quần, đồ đạc. Một số người dù đã mặc nhiều áo nhưng cũng không thể chống chọi lại được cái lạnh -5 độ C ở vùng biên giới.
Sau một hồi sưởi ấm, khi cơ thể đã nóng dần lên, họ mới nghĩ đến việc tìm chút gì đó để ăn cho ấm bụng.
Hàng hóa cứu trợ tập trung ở cửa khẩu Ba Lan (Ảnh: T.V.S). |
Một phụ nữ ôm đứa con chừng 3 tháng tuổi đến hỏi anh Sơn xem có loại sữa uống nào phù hợp với con chị. Anh lựa trong gian hàng có các loại đồ ăn dành cho trẻ em và đưa cho chị một hộp sữa công thức. "Tôi thấy sữa đó đánh số từ 1 đến 5. Đứa bé mới chỉ 3 tháng tuổi nên tôi nghĩ hộp số 1 là phù hợp. Chị ấy cầm hộp sữa rồi rời đi chứ không lấy thêm bất cứ thứ gì. Nhìn cảnh phụ nữ, trẻ em chạy loạn vì chiến tranh thực sự rất tội nghiệp", người đàn ông này chia sẻ.
Bánh ngọt và nước uống được nhiều người ủng hộ (Ảnh: C. T). |
Anh Trần Văn Sơn (sinh sống ở Ba Lan) cho biết, từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, anh thường xuyên theo dõi tình hình về cuộc chiến, bởi anh biết có rất đông bà con người Việt sinh sống ở đất nước này.
Qua một hội nhóm tập hợp những người Việt ở Ba Lan, anh Sơn đã đăng ký tham gia các hoạt động tương trợ người tị nạn từ Ukraine ngay từ những ngày đầu xảy ra chiến sự.
"Cùng cảnh xa quê nên người Việt ở đây sống rất tình cảm và đoàn kết. Ngay khi trưởng nhóm phát động, nhiều người đã trực tiếp ủng hộ các đồ ăn thiết yếu như bánh mì, bơ, sữa, cà phê, trái cây... cùng một số quần áo. Có người thì sử dụng phương tiện cá nhân để chở hàng hóa ra cửa khẩu", anh Sơn kể lại.
Sống cách cửa khẩu 340 km nhưng anh Sơn không ngần ngại sắp xếp công việc để cùng nhóm của mình lái xe chở nồi cháo 200 kg và nhiều nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân tị nạn.
Nồi cháo được các chị em trong nhóm của anh Sơn nấu đem ra cửa khẩu (Ảnh: C. T). |
Anh Sơn kể, nồi cháo 200 kg được các chị em trong nhóm nấu sẵn từ nhà, sau đó chở xuống cửa khẩu. Đến nơi, họ bắt bếp, đun lại cho nóng. Ở cửa khẩu còn có nhiều đồ ăn của các nhóm thiện nguyện nhưng những món đồ nóng như cháo được nhiều người lựa chọn.
"Những người dân từ Ukraine sang Ba Lan tị nạn có cả người Ukraine và người Việt. Chúng tôi sắp xếp đồ thành từng khu vực. Bất kể ai đến đều có thể thoải mái ăn uống hoặc lấy chăn, quần áo ấm nếu cần, không phân biệt là người nước nào. Nhìn họ ăn những tô cháo ấm một cách ngon lành, tôi hiểu họ đã phải trải qua một hành trình vất vả, mệt mỏi thế nào", anh Sơn nói.
Cũng giống như ở Ba Lan, người Việt ở Slovakia cũng nấu những nồi súp nóng hổi cứu trợ những người tháo chạy khỏi vùng chiến sự. |
Quán vừa khai trương nhưng vẫn đóng cửa để đi cứu trợ
Vừa từ Việt Nam sang Ba Lan ngày 24/2 nhưng anh Nguyễn Quốc Bình không kịp nghỉ ngơi mà tất bật không ngừng với các chuyến xe đưa đón người Việt tị nạn, các chuyến xe chở hàng đi cứu trợ ra biên giới.
"Tôi vừa khai trương một quán ăn nhưng cũng tạm đóng cửa để đó đã. Người Việt mình ở Ukraine rất đông. Thời điểm này nhiều bà con đang cần giúp đỡ nên tôi ưu tiên hỗ trợ mọi người. Kinh doanh buôn bán sau chưa muộn", anh Bình chia sẻ.
Anh Bình tiếp cận những đồng hương cần giúp đỡ bằng cách tham gia các hội nhóm Facebook, khi có người đăng thông tin cầu cứu, anh sẽ chủ động liên hệ rồi hỏi xem họ đang ở đâu và cần gì. Nếu điểm họ muốn đến là thành phố nơi anh sinh sống thì anh sẽ chạy xe đến đón. Nhiều hôm anh chạy xe xuyên đêm cho kịp chuyến tàu.
Người dân rời khỏi Ukraine để bảo toàn mạng sống (Ảnh: N.Q.B). |
Anh cũng sẵn sàng công khai số điện thoại cá nhân trên Facebook để ai cần thì liên hệ, anh sẽ tìm cách hỗ trợ trong điều kiện có thể.
Nhà anh Bình cách cửa khẩu 400 km. Hai ba đêm liền anh không ngủ ở nhà vì phải chạy xe đi về đón đồng hương người Việt từ Ukraine sang. Có người anh chở về nhà mình lo chỗ ăn ở, có người anh đưa từ trại tị nạn ra nhà ga đi các thành phố khác của Ba Lan.
Ngoài ra, anh Bình còn kết nối với bạn bè ở một số nơi khác để hoạt động đưa đón, cứu giúp các đồng hương người Việt gặp hoạn nạn được thuận lợi.
Hình ảnh anh Bình ghi lại tại một trại tập trung tạm thời ở Ba Lan. |
"Bất kỳ khi nào có cuộc gọi tôi lại lên đường. Đi đường nếu mệt quá tôi sẽ dừng xe ở các trạm xăng chợp mắt một vài tiếng. Tôi thường xuyên phải đi xa và ngủ ngang đường như thế nên việc đi lại với tôi không có gì khó khăn lắm", anh Bình chia sẻ.
Theo anh Bình, những ngày qua, ở các cửa khẩu biên giới Ukraine - Ba Lan, số người Việt tháo chạy sang Ba Lan ngày một đông. Trước khi sang được đất Ba Lan, nhiều người phải đứng đợi nhập cảnh trong thời tiết lạnh giá dưới 0 độ C, có người đứng 5 đến 10 tiếng ngoài trời.
Anh Bình chia sẻ: "Cùng cảnh tha hương nhưng dẫu sao chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người Việt ở Ukraine. Có những người buôn bán, định cư nhiều năm ở Ukraine định bám trụ lại nhưng khi thấy thành phố nơi họ ở bị bắn phá ác liệt quá, họ cũng đành dứt áo ra đi. Vậy nên tôi nghĩ mình giúp được gì thì mình giúp. Tôi có một hệ thống quán ăn và sẵn lòng mời các đồng hương người Việt ở lại làm cùng".
Ba phụ nữ người Việt tháo chạy khỏi Ukraine được anh Bình giúp đỡ (Ảnh: N.Q.B). |
Tìm mọi cách để đồng hương có điều kiện ăn ở tốt nhất
Giống như anh Bình, ngay khi hay tin chiến sự nổ ra tại Ukraine, anh Sơn (ở tỉnh Nyiregyhaza, Hungary) cũng lập tức công khai số điện thoại cá nhân của mình lên nhóm Tương trợ người Việt ở Ukraine.
Nhờ thông tin anh công khai, một gia đình có con trai nhỏ 7 tuổi đã có nơi trú ngụ an toàn sau hành trình nhiều ngày dài tháo chạy dưới bom đạn. Cũng nhờ anh Sơn, một du học sinh người Việt đã được anh sắp xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời trước khi nữ sinh này về thủ đô của Hungary tham gia hoạt động thiện nguyện, trợ giúp những người tị nạn di chuyển sang các nước khác.
Người Việt tại Hungary quyên góp đồ ủng hộ những người tị nạn (Ảnh: A. S). |
Ngoài hỗ trợ chỗ ăn ở, anh Sơn cùng nhóm của mình còn quyên góp đồ ăn thức uống, quần áo ấm, giúp làm giấy tờ, phiên dịch để người tị nạn có điều kiện ăn ở, di chuyển tốt nhất. "Có nhóm 9 người Việt đi lao động ở Ukraine bị chủ giữ hộ chiếu bản chính.
Tới lúc đi tị nạn, họ chỉ còn trong người mảnh giấy photo. Họ gọi điện thoại cho tôi trước nhờ chỉ đường và dự định sang tá túc tại gia đình tôi. Nhưng vì gặp trục trặc về giấy tờ như vậy nên họ không thể đi được. Rất tội nghiệp", anh Sơn kể.
Anh Sơn sau đó đã liên hệ nhờ Đại sứ quán Việt Nam ở Rumani giúp đỡ vì với tình trạng giấy tờ lúc ấy, nhóm công nhân trên chỉ có thể tị nạn tại nước này.
Chiến tranh xảy ra, những người Việt tại Ukraine vì để bảo toàn mạng sống phải bỏ chạy sang các nước láng giềng. Thật may mắn trên hành trình tị nạn ấy, họ đón nhận được tình cảm và sự giúp đỡ chân thành của các đồng hương. Tình cảm ấy càng minh chứng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau dù ở bất cứ nơi đâu của người Việt.
Tác giả: Phạm Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí