Giáo dục

Nguồn tuyển dồi dào, lượng "ảo" không cao

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định với mức điểm sàn xét tuyển ĐH là 15, nguồn tuyển sinh vẫn rất dồi dào, do đó, các trường không cần phải lo lắng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với báo chí về điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2016. (Ảnh: Lê Văn)


-Phóng viên: Với mức điểm sàn xét tuyển đại học là 15 điểm, theo công bố của Bộ GD-ĐT thì hệ số dôi dư năm nay chỉ đạt 1,27, thấp hơn năm ngoái. Như vậy, liệu nguồn tuyển năm nay có thiếu hụt, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mức điểm sàn năm nay được Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào xây dựng căn cứ trên chỉ tiêu của 5 khối truyền thống là A, A1, B, C, D chứ không phải căn cứ trên tất cả các tổ hợp xét tuyển mà các trường bổ sung.

Hệ số dôi dư năm nay cũng được tính toán từ số lượng thí sinh có mức điểm trên mức sàn là 404.282 trên tổng chỉ tiêu xét theo kết quả thi năm nay là 317.639.

Tuy nhiên, năm nay mỗi thí sinh chỉ được tính một lần theo một tổ hợp xét tuyển dù có thể có mức điểm trên mức điểm sàn ở nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Do đó, hệ số dôi dư năm nay thấp nhưng là số thực chứ không phải số ảo. Như những năm chúng ta thi "3 chung" chúng ta thường tính "ảo" nên hệ số dôi dư lớn hơn.

- Số lượng thí sinh có mức điểm trên mức sàn 15 điểm ở từng khối xét tuyển cụ thể là bao nhiêu, thưa Thứ trưởng?

- Cụ thể ở khối A chúng ta có 178.746 thí sinh trên mức sàn 15 điểm. Khối A1 là 153.348 thí sinh. Khối B có 70.850 thí sinh. Khối C có 58.258 thí sinh. Khối D có 160.000 thí sinh trên mức sàn 15 điểm.

- Như vậy, nguồn tuyển của các trường khối D năm nay khá là dư dả chứ không đến mức thiếu như nhiều người lo lắng khi mức điểm môn Ngoại ngữ năm nay khá thấp, thưa Thứ trưởng?

- Thực tế nguồn tuyển khối D năm nay không đáng lo lắm vì số lượng thí sinh trên mức điểm sàn khá nhiều.

Trong khi đó, các trường tuyển khối D chỉ thuộc 3 khối ngành với số lượng chỉ tiêu không nhiều. Trong số 160.000 thí sinh có mức điểm trên mức sàn ở khối D này cũng sẽ có nhiều thí sinh chuyển sang khối A1 (Toán - Lí - Ngoại ngữ).

Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi ngành của các trường theo quy định có thể tuyển thí sinh từ 4 khối khác nhau. Do đó, các trường có thể san sẻ cho nhau trong các khối đó. Khối thi nào không tuyển được thí sinh thì có thể tuyển khối khác. Do đó, các trường không cần lo lắng về số lượng nguồn tuyển sinh năm nay.

- Vậy điều đáng lo lắng nhất trong vấn đề nguồn tuyển sinh là gì, thưa Thứ trưởng?

- Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là số lượng thí sinh dịch chuyển giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về chuyện đó vì năm nay sự dịch chuyển này khá thuận chiều. Các thí sinh sẽ dịch chuyển từ những vùng miền khó khăn, năng lực đào tạo thấp hơn tới các khu vực thành phố lớn, thuận lợi với năng lực đào tạo lớn hơn.

INFOGRAPHIC: Nguồn tuyển sinh và năng lực đào tạo của các vùng (bấm vào hình để xem chi đầy đủ). Đồ họa: Lê Văn


Chẳng hạn, các khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ đều có số lượng thí sinh trên mức điểm sàn vượt hơn so với năng lực đào tạo của các trường trong khu vực.

Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, bao gồm cả Hà Nội thì chúng ta chỉ có 108.032 thí sinh trên mức điểm sàn trong khi năng lực đào tạo của khu vực này là 127.597. Như thế, thí sinh ở các khu vực khác có thể dịch chuyển xuống khu vực Đồng bằng Sông Hồng.

Tương tự như vậy, khu vực Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long đều có số lượng thí sinh trên điểm sàn cao hơn nhiều so với năng lực đào tạo.

Các thí sinh dôi dư này hoàn toàn có thể dịch chuyển xuống khu vực Đông Nam Bộ - TP Hồ Chí Minh để học tập do khu vực này chỉ có 59.000 thí sinh trên mức sàn trong khi năng lực đào tạo lên tới 89.000.

Như vậy, các vùng hiện nay rất thoải mái tuyển sinh. Nếu thí sinh chịu khó ở lại địa phương học thì nguồn tuyển rất dồi dào. Nếu không thí sinh vẫn có thể đi tới các vùng khác, nhất là các trung tâm lớn vì số lượng thí sinh ở các khu vực này vẫn thấp hơn năng lực đào tạo của các trường trong vùng.

Các trường không được tuyển vượt chỉ tiêu

- Trong khi nguồn tuyển của các trường đại học khá dôi dư thì liệu nguồn tuyển của các hệ Cao đẳng, trung cấp nghề có bị thiệt thòi về nguồn tuyển không, thưa Thứ trưởng?

- Tôi nghĩ không có vấn đề gì cả.

Chúng ta có gần 900.000 thí sinh dự thi trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH năm nay là 420.000. Như vậy, chúng ta vẫn còn tới gần 500.000 thí sinh cho 2 hệ này.

Tất nhiên, các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều lựa chọn khác tùy theo năng lực và nguyện vọng chứ không nhất thiết phải vào học tại các trường này. Tuy nhiên, với chỉ tiêu của hệ CĐ năm nay là 250.000 thì kể cả khi các trường có thể tuyển hết chỉ tiêu chúng ta vẫn còn dư rất nhiều thí sinh.

- Song rõ ràng là các trường ĐH vẫn có một phần lớn của miếng bánh, trong khi các bậc còn lại phải chia nhau một phần nhỏ hơn. Phải chăng chúng ta nên giảm chỉ tiêu của các trường ĐH để tăng cơ hội cho các hệ khác?

- Nhu cầu học tập ĐH, CĐ là nhu cầu chính đáng của người dân và chúng ta hiện vẫn chưa đáp ứng hết. Chỉ riêng số lượng sinh viên trên một vạn dân chúng ta vẫn chưa đạt được kế hoạch đã đặt ra đến năm 2020. Sự phát triển của các trường ĐH hiện nay đang cố gắng để đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng này song vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Chủ trương hiện nay của Bộ GD-ĐT là siết chỉ tiêu để nâng cao chất lượng. Vì thế, năm nay, Bộ đã nhấn mạnh các trường dứt khoát phải tuân thủ quy định chỉ tuyển đúng chỉ tiêu đã đăng ký công khai. Các chỉ tiêu này đã là năng lực tối đa mà các trường có thể đào tạo. Vì vậy, các trường có thể tuyển thấp hơn chỉ tiêu này để đảm bảo chất lượng chứ không được tuyển cao hơn.

Tuyệt đối không công khai tình hình diễn biến xét tuyển

- Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định không được phép công khai tình hình diễn biến xét tuyển hàng ngày như năm 2015. Liệu điều này có ảnh hưởng tới quyền lợi của các trường và thí sinh không khi nhu cầu của các trường là muốn nắm thông tin tuyển sinh vào trường mình còn thí sinh cũng cần có thông tin tham khảo để đưa ra lựa chọn?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay, quy định của Bộ là các trường dứt khoát không được công bố diễn biến kết quả tuyển sinh của các trường. Bởi lẽ, các thông tin đó không có ý nghĩa tham khảo nào cả mà ngược lại còn khiến thí sinh và người nhà hoang mang.

Khác với năm trước, thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường, năm nay, mỗi thí sinh đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng theo ưu tiên. Vì thế, bản thân các trường cũng không biết được ngoài trường mình, thí sinh đăng ký những trường nào khác. Vì thế, nếu công bố các thông tin này hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực.

Bộ GD-ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai. Khi các trường đăng ký tải dữ liệu này thì đồng thời cũng phải cam kết bảo mật thông tin đó. Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Các thí sinh cũng không nên chờ đợi vì sẽ không tham khảo được gì từ những số liệu này cả. Thí sinh hãy tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP