Nguy cơ từ béo phì

Thành Trịnh
Trường Cao đẳng Thấp khớp Mỹ khuyến nghị những người thừa cân hoặc béo phì mắc bệnh gout nên giảm cân.

nguy-co-tu-beo-phi-1-1718591464.png

Lượng mỡ dư thừa là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh gout.

Trường Cao đẳng Thấp khớp Mỹ khuyến nghị những người thừa cân hoặc béo phì mắc bệnh gout nên giảm cân. Qua đó, nhằm giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ tái phát.

Nguy cơ mắc gout cao

Một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) với tỷ lệ mắc bệnh gout và các đợt bùng phát. Trong suốt 7 năm, những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn đáng kể so với những người có chỉ số BMI “bình thường” (dưới 25 kg/m2).

Ngoài ra, những người có chỉ số BMI giảm 5% có nguy cơ bùng phát bệnh gout thấp hơn 39%. Trong khi đó, những người có chỉ số BMI tăng 5% có nguy cơ mắc bệnh gout tăng 60%.

Một nghiên cứu khác, bao gồm 11.079 người tham gia, cũng tìm thấy mối liên hệ giữa người béo phì và bệnh gout. Những người này bao gồm nhóm bị béo phì trong suốt tuổi trưởng thành và người tăng cân ở tuổi trưởng thành. Kết quả cho thấy, cả hai nhóm đều có nguy cơ mắc bệnh gout tăng lần lượt là 84% và 65%.

Một đánh giá trong số 10 nghiên cứu về bệnh gout và giảm cân cho thấy, việc giảm 7,7 pound (lbs.) (3,5 kg) trở lên có thể giúp tình trạng gout được cải thiện. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng, hầu hết nghiên cứu về chủ đề này đều có quy mô nhỏ và chất lượng thấp. Đồng thời, họ cho rằng, cần những thử nghiệm lâm sàng lớn và chất lượng cao hơn để đánh giá.

Hơn nữa, một nghiên cứu lớn kéo dài 27 năm trong số 44.654 nam giới cho thấy, 77% trường hợp mắc bệnh gout có thể được ngăn ngừa thông qua các chiến lược như duy trì chỉ số BMI “bình thường”, tuân theo chế độ ăn uống bổ dưỡng và hạn chế uống rượu cũng như thuốc lợi tiểu.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, lượng mỡ dư thừa hay lượng mỡ dự trữ là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất. Điều thú vị là, việc áp dụng thói quen lối sống lành mạnh hơn dường như không có lợi ở nam giới mắc bệnh béo phì, nếu cân nặng của họ không giảm.

Theo các nhà nghiên cứu, việc giảm cân và đặc biệt là giảm mỡ có thể giúp những người mắc bệnh béo phì và gout kiểm soát các triệu chứng.

Chỉ số BMI có những hạn chế trong vai trò là yếu tố dự báo sức khỏe, đặc biệt là đối với người da màu. Các nghiên cứu thường gợi ý rằng, béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với các tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh gout.

Tuy nhiên, người da màu là nhóm có xu hướng bị kỳ thị và phân biệt đối xử về cân nặng. Sự phân biệt đối xử về cân nặng trong chăm sóc sức khỏe có thể ngăn cản những người có trọng lượng cơ thể lớn tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Ngoài ra, những người này có thể không nhận được chẩn đoán hoặc điều trị chính xác.

nguy-co-tu-beo-phi-2-1718591464.jpg

Người bệnh gout nên duy trì tập luyện ít nhất 150 phút/tuần với cường độ vừa phải.

Cách giảm cân an toàn

Các chuyên gia cho biết, nếu muốn giảm cân để giúp kiểm soát triệu chứng bệnh gout, thì điều quan trọng là phải thực hiện theo cách an toàn và lành mạnh.

Điều đó có nghĩa là, tốt nhất, người bệnh nên bỏ qua chế độ ăn kiêng theo xu hướng. Bởi, phương pháp này có thể dẫn đến những thách thức về sức khỏe tâm thần, thiếu hụt chất dinh dưỡng, tăng cân, cũng như gây ra các vấn đề về trao đổi chất và những ảnh hưởng khác.

Để giảm cân bền vững, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần cố gắng áp dụng những thói quen lành mạnh và kiên trì trong thời gian dài. Một số biện pháp bao gồm: Ăn ít thực phẩm siêu chế biến; nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn là ăn ngoài; tiêu thụ nhiều rau và trái cây; uống nhiều nước.

Với trường hợp cảm thấy khó khăn, người bệnh có thể trao đổi và tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng. Khi đó, các chuyên gia có thể đưa ra những đề xuất được cá nhân hóa dựa trên tiền sử bệnh, sở thích ăn uống và tình hình tài chính của bệnh nhân.

Ngoài ra, điều quan trọng là người bệnh cần đảm bảo luôn vận động khi có thể. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị nên thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động thể chất ở mức độ trung bình đến mạnh mỗi tuần.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Arthritis & Rheumatism của Hội thấp khớp Mỹ cho thấy, những người tập thể dục thường xuyên có nồng độ axit uric thấp hơn những người không tập thể dục.

Theo các chuyên gia, bất kỳ sự gia tăng hoạt động thể chất nào cũng là điểm khởi đầu tuyệt vời. Ngủ đủ giấc và cố gắng hết sức để kiểm soát căng thẳng cũng rất quan trọng để có sức khỏe toàn diện.

Đồng thời, có thể hỗ trợ giảm cân nếu mọi người chọn theo đuổi lối sống đó. Đối với hầu hết mọi người, việc giảm khoảng 0,45–0,9 kg mỗi tuần thường là an toàn.

Trong thời gian đợt cấp của bệnh gout, người bệnh được khuyến cáo nghỉ ngơi, chườm đá và nâng cao chân. Không nên tập thể dục trong đợt cấp vì có thể làm trầm trọng thêm quá trình viêm ở các khớp.

Cần lưu ý, việc tập thể dục ở cường độ thấp, tải trọng thấp có hiệu quả cho người bệnh gout. Nên tập trước và sau các đợt cấp. Không nên tập ở cường độ cao.

Các bài tập phù hợp cho người bệnh gout bao gồm: Aerobic, đi bộ, đạp xe, bơi lội… có tác dụng tốt đến hệ tim mạch, kiểm soát nồng độ acid uric và trọng lượng cơ thể. Các bài tập dưới nước cũng làm giảm áp lực lên các khớp đau.

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh gout nên duy trì tập luyện với thời gian và cường độ vừa phải. Qua đó, duy trì sức khỏe thể chất, cân nặng và sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, cần bổ sung nước đầy đủ 2 lít/ngày để tránh mất nước khi tập luyện. Nước giúp cơ thể vận chuyển chất dinh dưỡng, đào thải chất độc, duy trì thân nhiệt, đệm ở các khớp và mô. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng uống nước giúp thải acid uric ra khỏi cơ thể.

Tập thể dục ở những người bệnh gout mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm viêm, tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các bài tập giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh hơn sau các đợt cấp của bệnh.