Nhà biên kịch Lê Phương - tác giả kịch bản phim 'Biệt động Sài Gòn' - qua đời

Admin
Nhà văn, nhà biên kịch của những bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ... - ông Lê Phương - vừa qua đời tối 14-5 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 89 tuổi.

 Nhà biên kịch Lê Phương - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Thông tin được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người vợ thủy chung, người bạn đời tri kỷ của nhà văn Lê Phương - xác nhận với Tuổi Trẻ Online.

Nổi tiếng là một cặp vợ chồng yêu thương, tri kỷ, cùng nhau viết nhiều kịch bản phim truyền hình nổi tiếng nên khi chồng mất đi, dù biết là lẽ tự nhiên, bà Trịnh Thanh Nhã vẫn bàng hoàng, đau xót.

Bởi tình vợ chồng tri kỷ hiếm có của họ trong làng văn và phim ảnh từ lâu đã làm xúc động lòng người, một cặp vợ chồng luôn yêu thương, trọng thị nhau và cùng nhau sáng tạo với những kịch bản phim để lại nhiều dấu ấn trong giới và trong công chúng, nay phải tạm rời tay nhau.

Nhà văn Lê Phương tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng (tên Nôm là làng Ống), xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông tham gia quân đội khi mới 16 tuổi theo tiếng gọi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cho đến năm 1953 thì ông chuyển hẳn sang bộ đội chính quy, tham gia vào cuộc khảo sát các tuyến đường chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ trải nghiệm nhiệm vụ này, truyện ký Thử lửa ra đời nói về một đội thanh niên xung phong đang mở đường thì gặp máy bay của Pháp oanh tạc, được in trên báo Cứu Quốc Quân gây chú ý cho những người chỉ huy đang rất cần tìm kiếm những cây bút trẻ với sức viết mãnh liệt, tươi mới…

Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. Bất khuất là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương được Nhà xuất bản Lao Động in lần đầu năm 1963.

Trong thời gian từ năm 1963-1978, 15 năm dành cho văn học, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã ba thời gian (thủy lợi, 1978); Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…

 Nhà biên kịch Lê Phương và vợ - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - là một cặp vợ chồng đặc biệt trong giới văn nghệ khi họ cùng viết chung nhiều kịch bản giá trị - Ảnh: PHƯƠNG CHINH


Ông bắt đầu đến với ngành điện ảnh vào năm 1977 để rồi sau đó trở thành nhà biên kịch lão luyện. Ông viết không nhiều, nhưng mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả.

Đó là kịch bản của những bộ phim như: Nơi gặp gỡ của tình yêu (2 tập, 1980) đến Biệt động Sài gòn (4 tập cùng với Nguyễn Thanh) hay những kịch bản được chính ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình (Cơn lốc biển chuyển thể từ tiểu thuyết Bất khuất)…

Đặc biệt ở giai đoạn từ sau năm 1990, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là "tiểu thuyết truyền hình".

Ở lĩnh vực này ông tiếp tục gặt hái thành công, đặc biệt là với bộ phim Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ - một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam (do Công ty nghe nhìn Hà Nội sản xuất).

Sau Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ là hàng loạt kịch bản phim truyền hình của một thời phim truyền hình phát triển khá đặc biệt ở Việt Nam, khi mà những bộ phim truyền hình thường được làm trau chuốt, kỹ càng, sâu sắc như những bộ phim điện ảnh: Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng…

Điều đặc biệt, những kịch bản này đã được ông viết chung với người vợ tào khang của mình.

 


Tác giả: THIÊN ĐIỂU

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ