Bên trong nhà máy cán thép nóng Cái Lân là cảnh tượng hoang phế. Ảnh: Báo Lao động. |
Nếu có thể hình dung toàn bộ dự án nhà máy cán thép Cái Lân trị giá 3.300 tỷ đồng này như một nấm mồ chôn mấy ngàn tỷ đồng hoang phí. Báo Lao động cho biết: “Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân thuộc Cty TNHH MTV cán nóng thép Cái Lân (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) được Tập đoàn Vinashin (cũ) xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 15 ha tại khu Công nghiệp Cái Lân (TP. Hạ Long).
Nhà máy có mức khái toán 3.300 tỉ đồng, công suất giai đoạn đầu là 500 nghìn tấn sản phẩm thép tấm đóng tàu/năm từ dây chuyền, công nghệ của Trung Quốc. Ngành đóng tàu trong cả nước từng kỳ vọng nó sẽ cung ứng phần lớn thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn trong các nhà máy sản xuất của Vinashin.
Tuy nhiên sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân được cho là lớn nhất nước buôc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất”.
Cho đến nay, toàn bộ công trình này không được đưa vào sử dụng, lác đác vài bảo vệ canh trực, cảnh tượng như một nhà máy hoang tàn, tan tác và các thiết bị bên trong hoen rỉ như bỏ hoang tới hàng thập kỷ.
Thật là xót xa cho nguồn vốn đã đầu tư vào đây, 3.300 tỷ đồng, toàn bộ tiền đều đi vay ngân hàng, giờ đổ đống hoang phế ở đó, ai nhìn thấy mà không xót?
Ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Cty cán nóng thép Cái Lân cũng thừa nhận sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép, ông cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án xử lý như liên kết, liên doanh cổ phần, bán nhà máy và cho thuê nhà máy nhưng nhiều nhà đầu tư (cả nước ngoài) đến khảo sát xong đều không quay trở lại..."
Đọc những tin tức dạng thế này, ngoài nỗi bất bình, xót xa vì tiếc, thì chúng ta cũng không thể làm gì hơn. Những cá nhân gây nên vụ đại án Vinashin đều đã bị pháp luật xử lý bằng những án tù, nhưng còn khối tài sản lớn của đất nước đã bị chôn sâu dưới những “nấm mồ” thế này, sao có thể lấy lại được?
Giá như, lại là 2 chữ “giá như” không có những đại án như Vinashin, nhà nước không mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng, cả những nhà máy cán thép trị giá 3.300 tỷ đồng này cũng không có nốt. Số tiền ấy đã có thể đưa vào đầu tư những công trình trọng điểm khác về giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế.
Thực tế bày sàng và không thể giá như được nữa. Những công trình ngàn tỷ vẫn đắp chiếu nằm đó, chờ bị hủy hoại dưới nắng mưa mà không có cách nào lấy lại được dù chỉ là 1 phần nhỏ số tiền đã mất đi.