Nhà máy sản xuất muối “tra tấn” hàng trăm hộ dân

Admin
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương khốn khổ vì phải sống chung với ô nhiễm do Nhà máy sản xuất muối công nghiệp gây ra. Điều đáng nói, nhà máy này mặc dù đã nằm trong “sổ đen” của cơ quan chức năng bởi sai phạm chồng sai phạm nhưng không hiểu sao đến nay vẫn tồn tại và hoạt động rầm rộ.

 Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì khói bụi từ máy sản xuất muối công nghiệp tấn công

Hàng trăm hộ dân đồng loạt ký đơn “tố” nhà máy muối

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu Trại Chuối (xóm 12, thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã gửi đơn kếu cứu khắp nơi bởi mức độ ô nhiễm nghiêm trọng do nhà máy sản xuất muối công nghiệp thuộc Công ty cổ phần kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Công ty Đà Nẵng) gây ra.

Ông Ngô Văn Thuấn (SN 1956, người đã sinh sống tại đây vài chục năm) cho biết, trước đây toàn bộ khu vực này đều là đất trồng cây, người dân sinh sống ổn định, môi trường trong lành… Tuy nhiên kể từ khi nhà máy sản xuất muối công nghiệp Đã Nẵng đi vào hoạt động vào năm 2013 thì cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Cụ thể theo ông Thuấn, nước và khí thải từ nhà máy này khiến không khí và nguồn nước tại đây ô nhiễm. Chưa kể khói có mùi tanh, khăn khẳn… từ nhà máy thường xuyên xả vào khu dân cư cũng gây tức ngực, khó thở, phát sinh bệnh về hô hấp.

Anh Ngô Văn Thành (SN 1985, công nhân lái máy xúc, cũng ở khu Trại Chuối) cũng cho biết, ngày nhà máy xả ít khói nhưng về đêm thì xả vô tội vạ, có những đêm khói bụi xả nhiều tới mức không nhìn thấy đất đá, than để mà xúc lên xe.

“Ngay đêm 10/5, nhà máy xả khói mù mịt buộc tôi phải điều khiển máy xúc chạy thẳng vào nhà máy yêu cầu dừng thì họ mới thôi không xả khói”, anh Thành bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1974, ở khu Trại Chuối) cho biết, dân nơi đây quá khổ vì khói bụi nhưng nguồn nước cũng bị đe dọa nghiêm trọng. “Nước thải của nhà máy không biết xử lý như thế nào, xả ra môi trường gây nguy hại ra sao chúng tôi đều không biết. Chỉ biết ruộng rau nước vàng đục lẫn nước màu đen, nhà nào cũng phải lắp cửa kính, ban ngày cũng như ban đêm đều phải đóng cửa kín mít nhưng bụi vẫn lọt vào phủ kín đồ đạc. Đặc biệt cứ mưa xuống là bụi đóng cặn thành từng lớp trên mái nhà, trên nền sân như một lớp tro đen.

Theo người dân, không chỉ nhà máy sản xuất muối công nghiệp Đã Nẵng gây ô nhiễm mà còn có hàng chục bãi than tại đây góp phần. Bụi than, tiếng ồn ào của xe vận chuyển, máy móc... cũng khiến người dân khốn khổ.

 Không chỉ khói bụi, nước tại đây cũng có màu vàng đục và đen ngòm

Còn theo ghi nhận của phóng viên, chỉ đứng tại khu vực chừng 15 phút đã cảm thấy tức ngực, khó thở do hít phải mùi khét, mùi tanh nồng… từ khói từ nhà máy trên tạt sang. Nhà dân ở đây nhà nào cũng nhem nhuốc, tường loang lổ màu đen…

Sai phạm chồng sai phạm vẫn hoạt động rầm rộ

Theo người dân nơi đây, nhiều năm qua họ đã miệt mài gửi đơn tố nhà máy này hoạt động gây ô nhiễm tới các cấp chính quyền. Thậm chí gần đây có tới hàng trăm hộ dân đồng loạt ký đơn gửi tới cơ quan chức năng về việc môi trường tại đây đã quá ô nhiễm. Sau đó cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, tiến hành kiểm tra và rất nhiều sai phạm của nhà máy này được chỉ mặt đặt tên nhưng không hiểu sao nhà máy này đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động, vẫn vô tư xả khói bụi.

Theo UBND huyện Kinh Môn, huyện đã từng đưa doanh nghiệp này vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đề nghị thanh tra xử lý. Cụ thể với lĩnh vực sản xuất chính của nhà máy là muối công nghiệp Natrimolipden (Na2MoO4) với quy mô 500 tấn/năm cùng các sản phẩm phụ muối hỗn hợp và bã Niken với công suất 400 tấn/năm nhưng ngay từ khi đi vào hoạt động huyện đã liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do công ty này gây ra.

Thậm chí, vào đầu năm 2018, Tổng cục Môi trường sau khi kiểm tra đã từng có kết luận công ty này không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, xây dựng thêm khu vực ngâm chiết, nhà ủ liệu không có trong nội dung ĐTM, nước từ kho nguyên liệu chảy trực tiếp ra sông Kinh Thầy…

Bên cạnh đó, công ty này còn không xây công trình xử lý khí thải phát sinh từ khu vực lò sấy thành phẩm và quá trình sấy nghiền sử dụng nguyên liệu than, thải bụi, khí thải vào môi trường vượt quá quy chẩn gấp 2 đến 3 lần, chưa có biện pháp thu gom hơi a-xít…

 Nhà cửa của người dân lúc nào cũng phủ một lớp bụi đen như thế này

Tổng cục Môi trường sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính công ty này hơn 766 triệu đồng, buộc phải khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm trên.

Chưa hết, trước đó vào năm 2016, với lỗi không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chức năng cùng với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt công ty này 165 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty này vẫn không chấp hành việc khắc phục, môi trường tại khu vực vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Phạm Mệnh thừa nhận, việc nhà máy trên hoạt động có phát ra mùi khó chịu, xã cũng thường xuyên nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm của nhà máy này.

Ông Hoàng Anh cho biết thêm, sau khi Tổng cục Môi trường kiểm tra, xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, ngày 11/4, đoàn kiểm tra việc khắc phục vi phạm của nhà máy này do sở TN&MT tỉnh chủ trì qua kiểm tra và xác định doanh nghiệp này mới chỉ khắc phục được một phần vi phạm, vẫn gây ô nhiễm cho khu dân cư.

“Xã cũng có đề nghị phải dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu không khắc phục được tình trạng ô nhiễm”, ông Hoàng Anh nói.