Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm như thế nào?

Thành Trịnh
Nếu vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập nhưng lại phát hiện muộn, bệnh có thể nặng lên, gây nhiễm trùng, lan rộng và ăn sâu dễ gây nên tình trạng sốc, đe dọa tới tính mạng.

Trước đó như VOV thông tin, tại Trường Tiểu học và THCS xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đã phát hiện 82 học sinh có biểu hiện bất thường như đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng…

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho thấy nguyên nhân là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus).

lay-mau-benh-pham-tai-truong-tieu-hoc-va-thcs-nong-thuong-thanh-pho-bac-kan-0-1727309948.jpg

Lấy mẫu bệnh phẩm tại trường Tiểu học và THCS Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn

Tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn tụ cầu có độc tính cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính, khó điều trị nếu không được trị liệu kịp thời.

Theo Ths. Bs Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khi vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập trực tiếp vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Từ các nhiễm trùng đơn giản như mụn, nhọt, viêm tấy, nặng hơn nữa là nhiễm trùng vào các cơ quan, nội tạng, như ổ áp xe thận, viêm màng trong tim, áp xe não,...và nhiễm trùng máu.

Ngoài nhiễm trùng, còn gây ra các bệnh do độc tố của tụ cầu vàng. Nguyên nhân của tình trạng này là khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, gây sốt, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn.

“Các dấu hiệu đơn giản của khuẩn tụ cầu vàng dễ nhận biết như mụn, nhọt, viêm tấy, nặng hơn nữa là các ổ áp xe. Muốn nhận biết, ngoài việc quan sát bằng mắt thường, còn phải tiến hành lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm. Tức là lấy dịch viêm để nuôi cấy nhằm xác định loại và hình thái vi khuẩn”, BS Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Tụ cầu vàng thường hay kháng kháng sinh, nên việc điều trị tương đối khó khăn. Do đó khi phát hiện có tụ cầu vàng dựa theo việc nuôi cấy, thì phải làm kháng sinh đồ để thử độ nhạy của kháng sinh. Qua đó xem xét vi khuẩn này có thật sự kháng kháng sinh hay không.

nhiem-khuan-tu-cau-vang-1727309952.jpg

Nhiễm trùng do tụ cầu vàng

“Nhạy kháng sinh hay kháng kháng sinh sẽ có cách điều trị khác nhau. Ngoài ra cũng cần phải tiến hành một số can thiệp khác. Chẳng hạn như áp xe thì tiến hành chích tháo mủ. Nếu hoại tử sẽ tiến hành nạo vét sạch để đảm bảo giải quyết triệt để”, BS Thái nói.

Cũng theo BS Nguyễn Quốc Thái, miền Bắc vừa trải qua đợt lũ lịch sử, đó cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn có điều kiện xâm nhập, phát triển, trong đó có tụ cầu vàng. Do đó với những vết xước chân tay do mưa lũ cần phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ, tránh các tổn thương về da.

“Để phòng bệnh tụ cầu vàng, giữ gìn vệ sinh, đặc biệt đôi bàn tay, bề mặt da, tránh các tổn thương là điều thiết yếu. Bởi đó là cửa ngõ vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể”, BS Thái chia sẻ.

Thông thường những người khỏe mạnh nhiễm tụ cầu vàng sẽ hồi phục nhanh chóng khi được dùng kháng sinh phù hợp và nghỉ ngơi đầy đủ. Tỉ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên người bệnh không được chủ quan. Nếu vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập nhưng lại phát hiện muộn, bệnh có thể nặng lên, gây nhiễm trùng, lan rộng và ăn sâu dễ gây nên tình trạng sốc, đe dọa tới tính mạng.