Nhiều cán bộ từ chối, xin thôi nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Admin
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, có tình trạng vừa qua rất nhiều cán bộ từ chối, đã được cử sang rồi thì tìm cách thay đổi và xin thôi nhiệm vụ. Do đó, khó có thể trưng tập được những cán bộ có đạo đức, có năng lực và kinh nghiệm để tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém

 Đại biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh Việt Hưng).

Giải trình trước Quốc hội về những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội đối với nội dung về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại dự thảo luật trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này.

Thống đốc cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, việc miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ, cụ thể về việc miễn trừ trách nhiệm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện, thứ nhất là người được giao phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn một cách trung thực.

"Việc miễn trừ trách nhiệm này cũng theo đúng quy định của pháp luật và đúng các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt", Thống đốc cho biết.

Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, có ý kiến cho rằng trường hợp đã thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương nhiên không bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thực hiện việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian vừa qua thì việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

"Đa số cán bộ tham gia việc cơ cấu lại là nhân viên của các ngân hàng thương mại, họ không phải là cán bộ công chức của nhà nước. Do vậy, có tình trạng vừa qua rất nhiều cán bộ từ chối, đã được cử sang rồi thì tìm cách thay đổi và xin thôi nhiệm vụ. Đó là những bất cập rất lớn trong việc có thể trưng tập được những cán bộ có đạo đức, có năng lực và kinh nghiệm để tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém", ông nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại nếu chờ quy định sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự hay Luật Cán bộ công chức sẽ không đảm bảo tính kịp thời, toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

"Do vậy, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo rất mong Quốc hội xem xét, cân nhắc để bổ sung nội dung này vào dự thảo luật", ông nói.

Phát biểu về nội dung này, tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: "Vietinbank có một lượng rất lớn cán bộ tham gia để thực hiện tái cơ cấu 2 ngân hàng là ngân hàng GPBank và Ocean Bank, có thể nói anh em cũng hết sức vất vả, khó khăn, lương thì thấp, chế độ đãi ngộ không có và phải thực hiện những công việc rất nặng nề, nhiều công việc luật cũng chưa quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và thiếu trách nhiệm cũng rất mong manh".

Theo ông Thắng, những cán bộ tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng rất cần có sự hỗ trợ từ Quốc hội, từ Chính phủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, trong trường hợp họ đã cống hiến hết mình, đã công tâm, trung thực trong công việc.

"Thông lệ quốc tế đã có những quy định của các nước về vấn đề này ở các luật chuyên ngành và thực tế tại tại Việt Nam, qua nghiên cứu tài liệu cũng như ý kiến của chuyên gia, chúng tôi thấy rằng là hoàn toàn nếu chúng ta quy định quyền miễn trách nhiệm ở trong luật này thì cũng hoàn toàn phù hợp và không hề chồng chéo, không hề mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự cũng như là các luật khác", ông Thắng nói.

Theo đó, đại biểu đề nghị là Quốc hội và Thường vụ Quốc hội cũng cho phép bổ sung quy định để miễn trừ trách nhiệm cho những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ngay trong dự thảo luật này.

Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng cho rằng, sau khi nhìn lại các vụ đại án liên quan đến các tổ chức tín dụng đã đưa ra xét xử trong những năm gần đây đã chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn, nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan.

"Chính vì vậy, việc phân công con người hoặc buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt. Bởi lẽ, cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồn xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì không ai dám dũng cảm xung phong nhảy vào giải cứu các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tức là khó khăn đặc biệt cũng là rủi ro đặc biệt, lo lắng đặc biệt cho bản thân và gia đình", ông nói.

Còn theo Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng): "Ngân hàng là ngành đặc biệt, nên việc kiểm soát hoạt động càng khó khăn hơn ngành khác, nếu không có cơ chế khuyến khích người tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tốt tham gia tái cơ cấu".