Nhiều chủ vườn lao đao vì cà phê mất mùa, rớt giá

Admin
Cà phê mất mùa, lại rớt giá nên nhiều người dân Gia Lai thất thu so với mọi năm. Nhiều cơ sở thu mua cà phê than lỗ hoặc không thu hồi được nợ vì nhà vườn vừa mất mùa, lại rớt giá. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 80.000 hécta cà phê giai đoạn kinh doanh, tập trung nhiều ở các huyện như: Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang, ChưPẳh…

Năm 2018, năng suất cà phê chỉ đạt 11,5 tấn quả tươi/hécta, giảm gần 1/3 so với vụ năm trước, gây thiệt hại cho người dân khoảng 800 tỷ đồng. Hết mùng 3 Tết, ông Võ Bình (ngụ xã Iaka, huyện ChưPẳh) phải lo tìm nhân công để tưới 4 hécta cà phê cho bông (hoa) nở đều, mong vụ tới đạt sản lượng.

Vụ cà phê năm 2018, gia đình ông thu hoạch được 50 tấn quả tươi (đạt khoảng gần 12 tấn nhân). Sản lượng này giảm hơn 1/3, so với vụ trước. “Trung bình, mỗi hécta thu hoạch hơn 20 tấn quả tươi. Nhưng năm rồi, sản lượng không đạt vì mất mùa, giá thành liên tục giảm nên nhà vườn ai cũng buồn”, ông Bình nói và so sánh năm trước cũng trên cùng diện tích, thu hoạch được hơn 20 tấn nhân.

 Người dân chăm sóc cà phê, chờ vụ thu hoạch tới.

Theo nhiều nhà vườn, thời điểm cận Tết Nguyên đán giá cà phê nhân vào khoảng 33.000 đồng/kg nên số tiền bán ra chỉ đủ trả các khoản chi phí chăm sóc, nhân công và tái đầu tư trở lại. Giá giảm, năng suất thấp nên người dân gặp nhiều khó khăn. Vụ cà phê năm 2018, với các hộ dân ở Tây Nguyên khá thất bại, vì sản lượng thấp, giá cà phê liên tục giảm về cuối vụ. Trung bình mỗi hécta cà phê, sau mỗi vụ thu hoạch, nhà vườn dư từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng để ăn Tết và tái đầu tư lại. “Năm nay oải quá. Tình hình này mà còn tiếp diễn, chắc phải bỏ cà phê để kiếm cây trồng khác sinh lợi hơn. Mình làm quần quật cả năm, Tết không dư đồng nào nên cũng nản dữ lắm”, anh Nguyễn Đình Thắng, hộ trồng cà phê ở huyện ChưPẳh nói.

Theo anh Thắng, gia đình anh trồng gần 2.000 gốc cà phê. Vụ trước, gia đình này thu hoạch được khoảng 8 tấn nhân. Còn năm 2018, chỉ được gần 5 tấn nhân. “Bán ra thì cũng chẳng được bao nhiêu, vì công cán, phân bón, tưới tiêu và tiền đầu tư lại”, anh Thắng than.

Hằng năm, vào mùa cà phê, bà Tạ Thị Em, hộ thu mua cà phê ở huyện ChưPẳh đều thu mua cà tươi của nhà vườn đổ ra sân phơi khô, xay lấy nhân bán kiếm lời. “Năm nay, càng phơi càng lỗ. Đầu vụ, mình mua cà phê tươi giá cao, tính phơi khô để xay lấy nhân tính công làm lời nhưng cũng thất bại. Giá cà phê liên tục giảm nên càng phơi nhiều, lỗ nhiều”, bà Em than. Những năm trước, nếu đầu vụ sản lượng thấp thì thường vào cận Tết, giá cà phê nhích lên chút đỉnh. Nhưng năm rồi, giá cà phê liên tục giảm. Ai dự trữ cà phê trong nhà nhiều cũng đều than lỗ.

Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa. Mùa thu hoạch cà phê bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, kéo dài qua hết tháng 11. Trong vụ mùa thu hoạch, các nhà vườn đều tất bật với công việc. Nhiều gia đình bán tươi ngay tại vườn hoặc phơi khô, xay lấy nhân mới bán.

Thu hoạch xong, nhà vườn tất bật với việc làm cành, cắt bỏ những nhánh khô, dưỡng cây và tưới nước cho nở bông, chăm sóc chờ vụ sau thu hoạch. Vì vậy, với người trồng cà phê, thời điểm trước Tết, họ cần tiền để trả nợ vật tư, sắm sửa đón Tết. Còn sau Tết, có nhiều khoản chi như: tưới nước, phân bón... Tất cả đều phải thuê mướn nhân công. Nhiều nhà vườn phải vay mượn hoặc mua thiếu vật tư, phân bón, thuê nhân công, tiền sinh hoạt sau Tết chờ cho đến khi vào vụ thu hoạch mới.

“Năm nào, chị cũng chi một khoản lớn cho bà con vay mượn, tái đầu tư để chờ đến vụ thu hoạch. Năm nay, bà con lỗ quá nên tiền nợ cũng chẳng thu hồi được. Bà con không có tiền nên mình chẳng lấy nợ được. Tết năm nay, từ người trồng đến hộ thu mua, ai cũng buồn vì mất mùa”, chị Võ Thị Thu Vy, chủ cơ sở thu mua cà phê bộc bạch.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện IaGrai, diện tích cà phê trên địa bàn hơn 17.500 hécta. Năm nay, năng suất cà phê giảm nhiều, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết. Mùa mưa kéo dài đến hơn 3 tháng nên trong thời điểm trái phát triển thiếu ánh sáng, quang hợp kém xảy ra tình trạng rụng trái, thối trái, giảm năng suất.