Ngày 8/2, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án được xét xử từ ngày 8-12/2 (23-27 tháng Chạp). Phiên tòa do Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa.
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thy, Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Huyền Như. Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho Võ Anh Tuấn.
Liên quan đến vụ án, tòa triệu tập 5 nguyên đơn dân sự gồm: Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty cổ phần đầu tư thương mại An Lộc, đại diện Vietinbank, cùng 16 cá nhân với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Huyền Như tại phiên xử năm 2014. Ảnh: CTV. |
Ngoài ra, 3 cựu lãnh đạo Viettinbank cũng được tòa triệu tập với tư cách là người làm chứng và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan gồm: Ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM), ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Trước đó, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như dự kiến được xét xử vào ngày 2-5/1. Tuy nhiên, ngày 1/1, TAND TP.HCM quyết định hoãn xử và trả hồ sơ vụ án cho VKS, yêu cầu làm rõ lại các vấn đề về tố tụng và tội danh. Sau khi xem xét, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm và chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM.
Năm 2014, TAND TP.HCM kết luận Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng. Sau đó, tại phiên xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại đối với Như và Võ Anh Tuấn về hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Đầu năm 2017, Tòa phúc thẩm tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản. Tuy nhiên, đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện, Huyền Như chấp hành án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010-27/5/2011, dưới sự chủ trì của Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank), các thành viên hội đồng tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên của ngân hàng này đứng tên 47 hợp đồng, vay hơn 1.500 tỷ đồng của Navibank.
Sau đó, các hợp đồng trên được gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, để hưởng lãi suất cao theo thỏa thuận của Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) là 16,5%/năm đến 22,5%/năm.
Theo đó, ngày 27/5/2011, 10 bị can trên đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, thực hiện giải ngân, làm hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.
Tháng 7/2011, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng 18 hợp đồng. Đến ngày 7/9/2011, Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Như chiếm đoạt.