Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An, thiệt hại do mưa lũ tính đến sáng 4-9 có 14 người chết, 4 người mất tích.
Ngoài ra, có 375 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70%, 828 nhà phải di dời khẩn cấp. Nặng nề nhất là nông nghiệp với 5.735 ha lúa, hoa màu, thiệt hại. Hiện tại, một số địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ khủng khiếp vừa qua.
Theo số liệu quan trắc lúc 7h00 ngày 4-9, hồ Sơn La đang có mực nước dâng là 214,3m, lưu lượng về hồ 5.240 m3/s, lưu lượng xả 3.572 m3/s; hồ Hòa Bình đang có mực nước dâng là 115,48m, lưu lượng về hồ là 3.425 m3/s, lượng xả ra là 3.990 m3/s. Hiện tại, hồ Sơn La và Hòa Bình đang mở 1 của xả đáy; tổ trực hồ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để tham mưu vận hành phù hợp.
Đợt lũ khủng khiếp đã cuốn trôi nhiều nhà cửa ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa |
Các hồ khác gồm hồ Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng đang vận hành xả lũ theo quy trình, các hồ khác đang vận hành bình thường trong quá trình tích nước trong thời kỳ lũ muộn.
Trong 189 hồ cập nhật thông tin vận hành, hiện có 75 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó: Bắc bộ 46/75 hồ, Bắc Trung bộ 6/16 hồ, Tây Nguyên 20/69 hồ, Đông Nam bộ 3/5 hồ.
Bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ kinh hoàng lần này là huyện miền núi Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 4-9, trên địa bàn huyện đã có 4 người chết, 3 người mất tích; 128 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 314 ngôi nhà và trên 1.500 người đã phải di dời.
Tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đều bị sạt lở nghiêm trọng với hàng nghìn m3 đất đá vùi lấp mặt đường; nước sạch không có; điện lưới bị cắt; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm hecta hoa màu, ao cá của nhân dân bị đất đá vùi lấp.
Mặc dù thời tiết hiện tại trên địa bàn huyện đã không còn mưa, song tình hình thiệt hại rất lớn. Công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bởi đến thời điểm này nhiều xã thuộc huyện vẫn còn bị chia cắt, cô lập.
Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã huy động 900 lượt cán bộ chiến sỹ cùng chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân, tạo điều kiện về chỗ ở tạm thời; đồng thời hỗ trợ ban đầu cho các hộ bị mất nhà mỗi hộ 7,5 triệu đồng, 5 triệu đồng cho những hộ có nhà bị sập và 8 triệu đồng cho những gia đình có người chết và mất tích.