Sáng 30-5, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Các ĐB đã tập trung mổ xẻ những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời dưới đất
ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) nhấn mạnh việc xây dựng luật pháp thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, như trong tờ trình đã nêu 11 nội dung hạn chế, yếu kém. Có một số hạn chế, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ QH, đến nay chưa khắc phục được. ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đánh giá chất lượng dự án luật, dù QH có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng pháp luật, Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng thể chế, nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp (DN) về phát triển trong yêu cầu mới. Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Theo ông Hiểu, có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt từ nhân dân. "Có người cũng đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất" - ĐB Hiểu nói.
Đại biểu Bùi Văn Cường phát biểu tại hội trường Ảnh: NGUYỄN NAM |
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM) cho biết ông luôn băn khoăn trước việc đưa vào chương trình, nhưng "nay xin rút, mai xin lùi" của một số dự án luật có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH chưa nghiêm.
Xin lùi, rút các dự án luật xảy ra nhiều
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta còn rất xa, vì vẫn đang ban hành luật với những quy định, nguyên tắc rất chung, phải chờ đến nghị định và cả nghị định cũng chưa đi vào cuộc sống, phải chờ đến thông tư. "Một đất nước mà quản lý chủ yếu bằng thông tư, tôi nghĩ rằng vi phạm pháp luật sẽ phổ biến" - ông Vân nói.
Theo ĐB Vân, quy trình làm luật còn quá nhiều vấn đề và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng thường xuyên thay đổi. "Nguyên nhân căn cốt nhất chính là chúng ta thiếu một tầm nhìn lập pháp, chúng ta chưa có chiến lược lập pháp dài hạn" - ĐB Cà Mau bày tỏ.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đồng ý với nhiều nội dung trong tờ trình nhưng cũng "rất lo lắng" trước tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung các dự án luật vẫn xảy ra thường xuyên.
Đề nghị lùi thời gian sửa Luật Công đoàn
Đề cập tờ trình yêu cầu Luật Công đoàn (CĐ) cần được nghiên cứu sửa đổi và hoàn thành trong năm 2018 và 2019, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) bày tỏ sự băn khoăn. Theo ĐB Như Ý, căn cứ vào tình hình thực tiễn áp dụng luật cho thấy Luật CĐ 2012, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, thời hiệu có hiệu lực và đi vào thực hiện chưa dài nhưng các quy định của luật cũng đã đi vào cuộc sống và ổn định. "Quá trình thực hiện luật cũng chưa làm phát sinh mâu thuẫn và bất cập. Do vậy, đặt vấn đề sửa đổi Luật CĐ trong thời điểm này là chưa thật cần thiết" - ĐB Như Ý bày tỏ và kiến nghị QH xem xét cho lùi thời gian sửa đổi Luật CĐ vào năm 2021 và thông qua năm 2022.
Tuy nhiên ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, cho rằng việc sửa đổi Luật CĐ, khi thảo luận ở các cơ quan có trách nhiệm, quan trọng nhất là hiện nay ta thấy cơ cấu người lao động (NLĐ) ở khu vực ngoài nhà nước và khu vực trong nhà nước đang thay đổi. Tình hình thực tiễn là các DN ngoài quốc doanh tăng lên rất nhanh, cơ cấu của NLĐ ở ngoài khu vực quốc doanh hiện nay lớn hơn nhiều so với cơ cấu NLĐ trong khu vực quốc doanh hay là cơ cấu cán bộ công chức, viên chức. "Trong lúc đó luật của ta đang nghiêng về bảo vệ NLĐ trong quốc doanh chứ chưa tập trung bảo vệ ngoài khu vực quốc doanh" - ông nói.
Phát biểu về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Phạm Minh Chính về cần thiết phải sửa đổi Luật CĐ, tuy nhiên ông đề nghị QH cho phép lùi thời gian sửa đổi. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định cần thiết phải sửa Luật CĐ để bảo vệ NLĐ khu vực ngoài nhà nước và đoàn viên khu vực ngoài nhà nước "Nhưng thời điểm sửa thì xin lùi lại, nếu được thì QH xem xét, cân nhắc" - ông Cường đề nghị.